Ai nghe thấy 'Tiếng khóc kêu trong hũ'?

Lê Minh Sơn tái xuất với những bài hát phản ánh những bức xúc của đời sống. Ảnh: N.M.Hà.
Lê Minh Sơn tái xuất với những bài hát phản ánh những bức xúc của đời sống. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Đêm nhạc Tiếng khóc kêu trong hũ của nhạc sĩ Lê Minh Sơn có một số điểm lạ lùng, cũng giống như tên gọi. Khác với các đêm nhạc tác giả thường thấy trên sân khấu lớn, đêm nhạc đánh dấu sự trở lại của Lê Minh Sơn diễn ra đầy ngẫu hứng. Xét riêng từng tiết mục có nhiều điều thú vị nhưng tổng thể chương trình không theo bài bản gì.

Lê Minh Sơn đã nghe thấy tiếng than từ ngàn đời của cô Cám vang ra từ trong hũ mắm và viết nên Tiếng khóc kêu trong hũ, chứ anh cũng không dại gì đứng ra bênh Cám. Sơn cũng cho hay đây là một đoạn trong vở pop-opera dựa theo truyện Tấm Cám mà anh đã viết, hy vọng có các mạnh thường quân đồng hành để đưa lên sân khấu.

Bài hát này tác giả giao Khánh Linh trình bày. Lý do: Linh từng hát Cô Tấm ngày nay thì nay hát nốt Cám cho đủ đôi. Tự sự của cô Cám khá hiệu quả khi được tiếng thập lục trầm đục phụ họa. Khánh Linh gây bất ngờ khi phá giọng tạo nên sắc thái hoàn toàn đối lập với cách hát thường ngày của cô. Tạm hiểu là bình thường Khánh Linh hát nhẹ nhàng bằng giọng pha, thì nay cô dùng giọng thật, bật hơi mạnh để làm toát lên sự đau khổ, niềm khát khao mãnh liệt của Cám bấy lâu bị kìm nén… trong hũ tối. Bài Khèn mơ thể hiện tâm trạng sơn nữ say tiếng khèn trai bản, Linh vẫn giữ cách hát rút ruột đó. Tới Người ở người về, cô lại quay về cách hát thánh thót cố hữu.

Lê Minh Sơn còn gây ngạc nhiên hơn khi anh cất giọng phải nói là “thổ tận can tràng” hệt một nghệ sĩ chèo hay xẩm trong bài Sứt sựt sừn sưn. Theo bài hát, “chiếu đời” ngày nay đầy rẫy các Cu Sứt, bóng bẩy bề ngoài nhưng sứt bên trong. Ở bài Hai ruộng rau mà tác giả hy vọng sẽ đánh động nhân tâm trong mỗi người trồng rau, anh lại dùng cách hát nhỏ nhẹ “xin người nông dân ngày nay hãy trồng một ruộng rau” chứ đừng trồng hai- một để ăn, một để bán. Về phương diện ca sĩ, Lê Minh Sơn hoàn toàn thuyết phục và hơn ai hết, anh hiểu mình muốn nói gì. Kỳ lạ hơn nữa anh hát như lên đồng khi đang ốm, vừa hát vừa uống thuốc hạ sốt.

“Ai mà ác thế/ Làm những con voi Tây Nguyên không đuôi không đuôi/ Ai mà ác thế/ Làm những cánh rừng Tây Nguyên không cây không cây… Chỉ còn những ngôi nhà sàn bằng bê tông/ Chỉ còn những tượng nhà mồ bằng bê tông…” là những lời hát trong bài Voi không đuôi. Bài hát là thành quả của chuyến thực tế Tây Nguyên do nhạc sĩ Nguyễn Cường tổ chức. Khi Y Jack thể hiện bài này xong, Lê Minh Sơn đã rơi nước mắt trên sân khấu. Anh phân trần, không phải khóc thương voi (bị chặt trộm đuôi để làm tăm làm nhẫn bán cho du khách- việc này có thể khiến voi chết vì mất máu) mà khóc vì Y Jack hát hay quá. Quả thực, chỉ Y Jack mới làm lay động được trái tim người nghe vì anh đang kể lại chính những gì đang xảy ra trên quê hương mình. 

Cũng như vậy, Lê Minh Sơn đang kể lại những bất cập đang diễn ra bằng âm nhạc với mong muốn sẽ khiến những thông điệp trong lời hát đọng lại và lan tỏa trong xã hội. Nhưng một bài hát để lan tỏa phần lớn vẫn nhờ vào âm nhạc. Giai điệu không hấp dẫn, thì lời có hay đến mấy cũng không ai hát lại. Phải chờ thời gian trả lời, dòng nhạc “phản biện” mà Lê Minh Sơn theo đuổi hấp dẫn đến mức nào.

Lại nói về những điểm lạ lùng không giống ai của đêm nhạc Tiếng khóc kêu trong hũ. Đầu tiên, Lê Minh Sơn “bắt” tất cả các nhạc công ngồi, không ngồi ghế thì ngồi bệt. Đàn tranh ngồi chiếu bình thường nhưng violon ngồi quả là hiếm gặp. Lê Minh Sơn chơi ghi ta tất nhiên cũng ngồi. Khánh Linh cũng hát liền ba bài trong tư thế của đào nương. Tất nhiên tùy theo cao trào của âm nhạc, các nghệ sĩ có thể đứng lên, nhưng khởi đầu, tất cả đều ngồi. Có lẽ Lê Minh Sơn muốn đêm nhạc toát lên không khí du ca dân dã hoặc muốn theo lối ngày xưa, các cụ đàn hát ca trù hay xẩm đều ngồi cả. 

Lạ nữa là giữa đêm nhạc của mình, Sơn đưa vào một tiết mục múa. Đó là múa Chú Tễu của biên đạo Trần Ly Ly. Mà tiết mục này chẳng liên quan gì đến Lê Minh Sơn vì anh không làm nhạc, không chơi nhạc, và tất nhiên không múa. Tuy nhiên phải nói rằng nếu Lê Minh Sơn không giới thiệu thì hàng trăm khán giả sẽ thiệt thòi vì không được xem tiết mục độc đáo do “quái kiệt” Hà Tứ Thiên thể hiện. Khi tiết mục kết thúc, Lê Minh Sơn làm động tác vái, không rõ ai vái chú Tếu hay vái người thể hiện chú Tễu. Hẳn là Sơn đưa chú Tễu vào đêm nhạc cho cu Sứt của anh có bầu bạn đỡ buồn?!

Đoạn cuối đêm nhạc chính là chỗ cần phải có điểm nhấn để quyết định ấn tượng của người xem về tổng thể thì rất tiếc Lê Minh Sơn lại cùng ban nhạc hòa tấu những bản nhạc quốc tế quen thuộc. Đến mức này thì không thể hiểu được sự loạn chiêu của Lê Minh Sơn, khi thuê cả Nhà hát Lớn để trình diễn những thứ mà người ta có thể nghe ở quán xá. Nhưng cũng có thể vì anh ốm nên không thể trình diễn hết những gì đã dự tính. Toàn bộ đêm diễn chỉ gói gọn trong hai tiếng. Khán giả cổ vũ khá nồng nhiệt nhưng đáng tiếc về số lượng chưa đủ lấp đầy Nhà hát Lớn. Hẳn là do khâu truyền thông cho đêm nhạc chưa được đẩy mạnh chứ hoàn toàn không phải vì nhân vật chính hết duyên.

Tiếng khóc kêu trong hũ giới thiệu các tác phẩm của Lê Minh Sơn sáng tác trong 3 năm xa rời sân khấu lớn để du ca. Hai mảng đề tài chính mà anh theo đuổi là “địa phương ca” và vấn đề xã hội. Nếu những thập kỷ trước, có một Trần Tiến không ngại xông vào những bộn bề của cuộc sống, thì ngày nay đang có Lê Minh Sơn. 

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.