Ai là AI?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều cuối tuần rồi, Nguyễn Hùng Sơn bạn học thời phổ thông với tôi từ 40 năm trước, là GS.TS tại Đại học Warsaw (Ba Lan) nhân dịp về nước nhắn mời tôi đến ĐH Duy Tân dự thính buổi nói chuyện về Generative AI (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) trong lĩnh vực giáo dục. Cử tọa toàn những chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu sinh về ngành Khoa học máy tính của trường.

Một kẻ chỉ có chút ít kiến thức xã hội học như tôi, đương nhiên phải “bỏ ngoài tai” rất nhiều thứ thuộc về công nghệ. Nhưng một trong những chi tiết khiến tôi ám ảnh, đó là AI tạo sinh đã có thể nắm bắt được diễn biến tâm lý của bất kỳ ai. Như sếp có thể biết ý định nghỉ việc của nhân viên nào đó từ khi mới manh nha suy nghĩ trong đầu! Hay AI tạo sinh có thể cá nhân hóa từng học sinh, cung cấp cho giáo viên phương án cụ thể, chi tiết để “điều chỉnh” hiệu quả việc học tập của học sinh đó.

Để thấy, Generative AI đã trở thành làn sóng mới của AI trong năm nay, sau ChatGPT hồi cuối năm ngoái. Rằng trí tuệ nhân tạo đã tiến thêm một bước rất lớn để thâm nhập sâu vào mọi mặt thuộc về bản thể người, mà chính con người cũng khó thể lường hết được. Không chỉ phân tích, tổng hợp dữ liệu, AI tạo sinh đã tiến tới việc tạo ra nội dung, tác phẩm, sản phẩm mọi lĩnh vực một cách dễ dàng…

AI đã đến lúc không còn là kẻ lạ mặt, là “ai” nữa. Và bất kỳ ai đó, cho dù không muốn/không cần biết chúng là ai, thì vẫn buộc phải chịu sự can thiệp và hỗ trợ của AI.

Việt Nam theo bảng khảo sát của Oxford Insights (Vương quốc Anh), hiện đứng thứ 55/181 quốc gia toàn cầu về Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của chính phủ; và xếp thứ 6 tại Đông Nam Á sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Thứ hạng đã được cải thiện qua từng năm, nhưng có thể thấy chúng ta vẫn đang còn chậm chân, nếu biết rằng Singapore đã xếp đồng hạng vị trí số 1 cùng với Mỹ về chỉ số này.

Cũng như nhiều thứ công nghệ khác, với trí tuệ nhân tạo chúng ta vẫn có thể “đi tắt đón đầu”. Nhưng bước sang AI tạo sinh, và tiếp đến sẽ còn nhiều những nhánh rẽ mới mang tính đột phá không tưởng, thì việc “dùng chung” những mô hình có sẵn của thế giới sẽ gặp những rủi ro không nhỏ. Liên quan đến bản sắc và tính đặc thù về quan điểm xã hội, chính trị, văn hóa, ngôn ngữ; tính chất, mục tiêu và quy mô phát triển của từng doanh nghiệp cho đến cả nền kinh tế; cho đến việc đảm bảo an toàn nguồn dữ liệu quốc gia... Việc tạo ra những mô hình AI tạo sinh riêng của Việt Nam đang là yêu cầu rất lớn, nhưng không hề đơn giản, nếu thiếu một chiến lược mạnh mẽ, những công cụ pháp lý cụ thể, nhân lực và cả vốn đầu tư.

Nếu như năm ngoái việc ra đời ChatGPT còn dấy lên tranh cãi và nghi ngờ về khả năng giả mạo, gian lận trong học tập, nghiên cứu, thì với AI tạo sinh, lại được đón nhận một cách hồ hởi và đầy hy vọng về một kỷ nguyên mới tươi sáng. Từ những ông “trùm” vốn có cái nhìn khác nhau về AI như Bill Gates, Elon Musk, Mark Zuckerberg, Sam Altman,… cho đến cả cộng đồng công nghệ.

Nhưng dù thế nào, thì bất kỳ ai cũng phải biết cách nắm quyền điều khiển AI, chứ không thể ngược lại.

MỚI - NÓNG