Ai kiểm soát quyền lực của Trưởng đặc khu?

Toàn cảnh Cảng Cái Rồng - Vân Đồn - Quảng Ninh. Ảnh: Nhật Minh.
Toàn cảnh Cảng Cái Rồng - Vân Đồn - Quảng Ninh. Ảnh: Nhật Minh.
TP - “Vấn đề kiểm soát quyền lực của trưởng đặc khu rất quan trọng. Ai sẽ là cơ quan kiểm soát, cơ quan nào sẽ kiểm soát quyền lực trưởng đặc khu khi được giao thẩm quyền rất lớn? Trưởng đặc khu chịu sự giám sát của cơ quan nào?”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật trao đổi với PV Tiền Phong.

Dự kiến hôm hay Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu). Đa số ý kiến ủng hộ sự cần thiết, song cũng đưa ra nhiều vấn đề phải hết sức lưu tâm? 

Việc Quốc hội cho ý kiến lần đầu về đặc khu kinh tế ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là hết sức cần thiết trong điều kiện kinh tế đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Việt Nam đã đi sau các nước trên thế giới nhiều năm rồi, như ở Trung Quốc và các nước xung quanh ta đã có nhiều đặc khu, còn Việt Nam thì chưa có. Tôi cho rằng, việc hình thành một đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là thẩm quyền tổ chức bộ máy của các đặc khu. Theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, trưởng đặc khu do Chính phủ trực tiếp bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh và thẩm định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trưởng đặc khu có quyền bổ nhiệm cấp phó và cơ quan chuyên môn trực thuộc. Đây là một thẩm quyền rất lớn. 

Điều đặc biệt nữa là thẩm quyền của trưởng đặc khu được ủy nhiệm nhiều nhiệm vụ, nhiều quyền hạn trong đó và một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Cho nên, vấn đề kiểm soát quyền lực của Trưởng đặc khu rất quan trọng. Ai sẽ là cơ quan kiểm soát, cơ quan nào sẽ kiểm soát quyền lực trưởng đặc khu khi được giao thẩm quyền rất lớn? Trưởng đặc khu chịu sự giám sát của cơ quan nào? Tất nhiên kiểm soát quyền lực của Trưởng đặc khu chứ không hạn chế quyền lực khi trách nhiệm đã được giao. Kiểm soát quyền lực để không nảy sinh ra những vấn đề tự mãn, tự kiêu, hoặc có những tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Cho nên vấn đề đó rất quan trọng.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho đặc khu rất lớn, nhưng trong dự thảo, đặc khu kinh tế là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh. Điều này cũng rất đáng phải suy nghĩ.

Ai kiểm soát quyền lực của Trưởng đặc khu? ảnh 1 Ông Phạm Văn Hòa.

Vậy làm thế nào để có thể kiểm soát được quyền lực của trưởng đặc khu?

Trong dự thảo luật này, trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm trực tiếp và ông trưởng đặc khu này có quyền bổ nhiệm cấp phó. Trong dự thảo cũng đề ra việc thành lập hội đồng để giám sát, tư vấn cho trưởng đặc khu. Tuy nhiên, như trong dự thảo, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của hội đồng này còn rất chung chung. Nói giám sát tư vấn, chỉ là một hoạt động thôi, còn nghe hay không nghe là quyền của trưởng đặc khu. Do vậy, vấn đề đặt ra kiểm soát quyền lực, các cơ quan chức năng phải cân nhắc kỹ. 

Ngoài ra, việc kiểm soát quyền lực cần phải có cơ chế nào phù hợp, vừa kiểm soát quyền lực vừa tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trưởng đặc khu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Không thể kiểm soát quyền lực lại hạn chế quyền mà luật cho phép. Ông được giao như thế, trách nhiệm lớn như thế thì phải có giám sát, kiểm tra, có đôn đốc, nhắc nhở để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trưởng đặc khu hoàn thành nhiệm vụ.

Vì nằm ở những nơi trọng yếu, nhạy cảm, nên vấn đề an ninh quốc phòng ở những đặc khu rất quan trọng. Ông thấy sao về điều này?

Phải nói cả 3 đặc khu cho phép thành lập tới đây ở đảo, ngoài nhiệm vụ hành chính, kinh tế đặc biệt thì cũng rất nhạy cảm với vấn đề an ninh quốc phòng. Cho nên việc cho thuê đất với thời hạn 99 năm, trong khi hiện nay chỉ là 70 năm, nên cũng có sự nhạy cảm về quốc phòng an ninh.

Theo tôi cần phải có sự quan tâm đặc biệt, và có giải pháp hữu hiệu đảm bảo an ninh quốc gia, không để cho ai đó thuê đất 99 năm, không vì lợi ích riêng mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Việc này, Bộ Quốc phòng, Công an và các cơ quan chức năng cũng phải có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ tuyệt đối an toàn đối với những khu đất nhạy cảm có liên quan đến quốc phòng an ninh, phải xem xét thấu đáo. 

Trong dự thảo luật có 2 phương án, một là thành lập HĐND và UBND, hai là không thành lập HĐND và UBND. Ông ủng hộ phương án nào?

Tôi ủng hộ phương án không có HĐND và UBND, như vậy mới gọi là khác biệt. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, đơn vị hành chính cấp đặc biệt cũng là cấp hành chính thì phải có HĐND và UBND. Tuy nhiên, trong Hiến pháp cũng nói được thành lập đơn vị kinh tế đặc biệt. Như vậy chúng ta không có HĐND thì cũng không trái luật. Nếu có HĐND và UBND thì tôi nghĩ rằng nó không phải là đặc biệt. Nhưng vấn đề đặt ra, nếu không có HĐND thì giám sát thế nào đây? Do vậy cũng cần phải quy định chặt chẽ, không thể không có cơ chế giám sát được.

Cảm ơn ông.

“Cần phải có sự quan tâm đặc biệt và có giải pháp hữu hiệu đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia. Không nên để cho ai đó thuê đất 99 năm, không vì lợi ích riêng mà ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.  

Ông Phạm Văn Hòa

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.