Đặc khu kinh tế: Nơi kinh doanh hay thử nghiệm thể chế?

TP - Bàn về chính sách phát triển kinh tế xã hội trong đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt (đặc khu kinh tế), các chuyên gia cho rằng, ban soạn thảo vẫn ôm đồm nhiều chính sách.

Chính sách ôm đồm

Phát biểu tại hội thảo “Chính sách phát triển kinh tế xã hội tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt” do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 3/11, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xây dựng cơ chế cho đặc khu cần cái nhìn rộng hơn, thoáng hơn để cạnh tranh với quốc tế. Dù đã phát triển chính sách về đặc khu trong nhiều năm nhưng hiện nay các nước vẫn tiếp tục thí điểm cơ chế mới nên chúng ta không thể né các cơ chế mở. Chúng ta nên chấp nhận các trò chơi mới, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ nhưng ở mức có thể kiểm soát.

“Tôi có cảm tưởng, chúng ta vẫn còn ôm đồm về chính sách, chưa xác định được đặc khu là nơi kiếm tiền hay nơi thử nghiệm thể chế. Từ đó ảnh hưởng đến xây dựng chính sách và quy hoạch”, ông Thành nói.

Ông Thành dẫn ví dụ, Trung Quốc xây dựng Đặc khu Thượng Hải, Thâm Quyến rất thành công. Hiện nay nước này xây dựng thêm đặc khu con trong các đặc khu để thí điểm các cơ chế tài chính - ngân hàng, tiền tệ và công nghệ mới.

Đặc khu kinh tế: Nơi kinh doanh hay thử nghiệm thể chế? ảnh 1 Cảng Cái rồng thuộc đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh).

Còn ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) lại lưu ý chính sách phát triển kinh tế xã hội của Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đề xuất tại dự thảo luật gồm: thủ tục đầu tư; chính sách về đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở; ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất; phát triển các ngành dịch vụ, du lịch; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…;

Góp ý vào cơ chế chính sách về đất đai tại đặc khu kinh tế, GS Đặng Hùng Võ đề nghị,  nhà nước thu hồi đất của dân cần đấu giá theo cơ chế thị trường. “Tôi kiến nghị 2 điểm trong chính sách về đặc khu kinh tế của Việt Nam cần vượt lên, gồm cơ chế thế chấp và quy định đấu giá đất thu hồi. Chúng ta cho phép người Việt Nam thế chấp đất để vay vốn ở các tổ chức tín dụng nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta chưa cho phép người nước ngoài có sở hữu đất đai, người có quyền sử dụng đất được quyền thế chấp, vay vốn tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Như thế là chính sách chưa bình đẳng, đồng đều. Chỉ khi pháp luật công bằng thì nhà đầu tư và người nước ngoài mới bình đẳng trong đầu tư vốn vào phát triển đặc khu”, ông Võ nói.

Ông Võ cũng cho rằng, Việt Nam đưa ra nhiều chính sách miễn giảm thuế nhưng không phải tất cả giảm đã là tốt. Nhà đầu tư sử dụng đất phải trả tiền, nếu sử dụng đất không mất tiền thì mất khả năng cạnh tranh, sử dụng đất không hiệu quả.

Ngoài ra, liên quan đến thủ tục hành chính, Việt Nam cần mạnh dạn áp dụng thủ tục hành chính một cửa nhằm tạo ra bước tiến vượt lên đáng kể so với hành chính hiện nay.

Phải vượt trội mới cạnh tranh được

Theo Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Văn Trung, môi trường đầu tư kinh doanh tại các đặc khu kinh tế sẽ thông thoáng. Ngoài việc giảm số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ban soạn thảo Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế đề xuất giảm các loại giấy phép như giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư PPP… “Trên thế giới không có nước nào có các giấy phép này như Việt Nam, chúng tôi đang đề xuất bỏ hết để phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Trung cho biết.

“Luật Đặc khu kinh tế phải có tính vượt trội không chỉ so với trong nước, mà vượt trội so với quốc tế, có khả năng cạnh tranh và đột phá. Nhưng khi thực hiện chính sách cụ thể gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt cần có chính sách miễn trừ trách nhiệm với người đứng đầu, nếu không lãnh đạo đặc khu sẽ không dám làm vì vướng quy định pháp luật”, ông Trung nói.

Chuyên gia Patrick Tay, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách tư vấn chính sách kinh tế của Price Water House Coppers (Malaysia) cho rằng, để hình thành những đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng khung khổ pháp lý, thể chế vượt trội để tạo nên đặc khu siêu hạng.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi xây dựng dự thảo luật, Việt Nam cần quan tâm đến giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chính sách của Việt Nam phải giảm tính quan liêu, tăng minh bạch và tránh xu hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, chuyên gia Patrick Tay cho biết.

Dự kiến, ngày 10/11, Chính phủ trình bày Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế tại Quốc hội. Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận và cho ý kiến lần đầu, sau đó sẽ hoàn thiện, trình vào kỳ họp tới.

MỚI - NÓNG