Ai hỗ trợ, thức tỉnh doanh nghiệp? - Bài 4: Phải vượt qua lợi ích nhóm

Hàng thời trang Trung Quốc tràn ngập các chợ ở Lạng Sơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hàng thời trang Trung Quốc tràn ngập các chợ ở Lạng Sơn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Năm 2015 đánh dấu Việt Nam gia nhập các FTA (Hiệp định thương mại tự do) sâu và rộng hơn rất nhiều so với từ trước đến nay”- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ với Tiền Phong về vấn đề này.

Thách thức cải cách

Thưa bà, đâu là những thách thức lớn khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào cuối năm 2015 cũng như khả năng Việt Nam kết thúc đàm phán Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

Việt Nam đã có 20 năm tham gia trong ASEAN, nhưng cuối 2015 này Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, Việt Nam hội nhập với mức độ tự do hóa thương mại chưa từng có từ trước đến nay. Từ năm 2016 trở đi, thách thức cũng như cơ hội mở ra cho Việt Nam rất lớn. 90 triệu dân Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hơn 500 triệu người của các nước xung quanh. Trong đó, hầu hết các nước mạnh hơn Việt Nam rất nhiều về kinh tế và họ ở mức độ sẵn sàng hội nhập kinh tế cao hơn Việt Nam rất nhiều.

Việt Nam không quan tâm thực sự đến việc tạo ra hàng rào kỹ thuật cần thiết và hợp lý, hợp pháp để tự bảo vệ cho mình. Dẫn chứng hàng Trung Quốc sang Việt Nam với đủ thứ độc hại hoặc những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa sản xuất trong nước, nhưng chúng ta cũng không làm gì được. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Khi đàm phán TPP kết thúc, Việt Nam có nhiều cơ hội cả về xuất khẩu, thu hút đầu tư cũng như hội nhập sâu với các nền kinh tế mạnh hơn mình rất nhiều. Thách thức ở đây cũng rất lớn và lớn nhất là liệu Việt Nam có đủ sức để vượt qua những yêu cầu của TPP mà chớp những cơ hội mở ra hay không hay để cơ hội đó rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

Một thách thức khác đáng ngại là về thể chế, hệ thống điều hành của cả nước. TPP đòi hỏi hệ thống thể chế phải thay đổi rất lớn, phải bắt kịp yêu cầu áp dụng chung với các thành viên. Nếu không cải cách được thể chế theo yêu cầu đó, Việt Nam cũng lại để mất cơ hội. Ở đây đòi hỏi năng lực cạnh tranh của Nhà nước nữa chứ không chỉ của DN.

Ai hỗ trợ, thức tỉnh doanh nghiệp? - Bài 4: Phải vượt qua lợi ích nhóm ảnh 1

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Chưa sẵn sàng hội nhập, cạnh tranh

Như bà nói, chính sách của Việt Nam hiện vẫn chưa sẵn sàng hội nhập vào cuộc chơi của TPP?

Tôi cho là thể chế hiện nay chưa sẵn sàng, chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của TPP. Luật lệ, môi trường kinh doanh của mình còn nhiều vấn đề lắm, vẫn còn ở mức cạnh tranh khá thấp so với điều kiện chung của thế giới. Nếu so với các nước thành viên TPP lại càng có khoảng cách xa hơn.

“Điều chúng tôi rất muốn trao đổi với người dân đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, cạnh tranh ngay trên sân nhà và cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Để có những giải pháp ứng phó với cạnh tranh đó không loại trừ một người nào, không loại trừ bất cứ một doanh nghiệp nào. 

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng 

Hàng rào kỹ thuật chúng ta cũng lại chưa quan tâm đầy đủ nên vẫn còn những sơ hở. Khi tham gia WTO, các nước một mặt mở cửa thị trường, mặt khác họ có rất nhiều hàng rào kỹ thuật. Nhưng Việt Nam không quan tâm thực sự đến việc tạo ra hàng rào kỹ thuật cần thiết và hợp lý, hợp pháp để tự bảo vệ cho mình. Dẫn chứng hàng Trung Quốc sang Việt Nam với đủ thứ độc hại hoặc những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa sản xuất trong nước, nhưng chúng ta cũng không làm gì được.

Khó khăn hiện hữu bởi có sự hiện diện tăng lên của DN các nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia… Mấy năm gần đây, họ đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Họ mua lại DN, mua lại hệ thống phân phối, tạo cơ hội để DN của họ bán được hàng ở Việt Nam thông qua hệ thống phân phối (của họ). Sự cạnh tranh đó là hiện hữu rồi, nhưng DN Việt Nam vẫn lúng túng.

Cải cách: không thể chần chừ

Áp lực cải cách thể chế trong vấn đề hội nhập, đặc biệt là trong gia nhập TPP là rất là lớn, trong khi quá trình cải cách kinh tế còn quá chậm. Theo bà điều đó có giảm hạn chế khả năng hội nhập cũng như gây thiệt thòi cho DN Việt Nam?

Chắc chắn khi chưa cải thiện kịp thời nó sẽ gây ra một số khó khăn. Nhưng tôi cũng tin rằng, tham gia TPP rồi, sức ép với sự giám sát của các nước liên quan, Việt Nam sẽ không thể lần chần mãi được. Vả lại trong vài năm gần đây ở Việt Nam, vấn đề cải cách thể chế được đặt ra ở các diễn đàn khác nhau và mọi người đều thừa nhận đây là một trong các nút thắt quan trọng phải vượt qua, phải gỡ được thì nền kinh tế mới phát triển. Những người có trách nhiệm với đất nước đều thấy phải làm. Nếu làm không được, họ sẽ chịu trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước, trước tương lai của dân tộc. Trách nhiệm lịch sử đặt lên họ rất nặng nề, nếu như họ không thay đổi. Thay đổi ở đây, một trong những điều mọi người cũng nói nhiều là phải vượt qua được nhóm lợi ích. Không thể nào vì lợi ích của một số ít mà làm cho lợi ích của toàn thể đất nước, toàn thể dân tộc bị ảnh hưởng xấu.

Theo đánh giá của bà, lợi ích nhóm hiện lớn đến mức độ nào và gây cản trở đến cải cách thể chế ra sao?

Tôi cho là lợi ích nhóm với quy mô lớn, đủ để ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, như trong cải cách thể chế, một số luật pháp. Chính sách cứ lẩn quẩn không vượt lên được; khi đưa ra bàn thảo, các ý kiến đề nghị là nên thế này, nhưng cuối cùng quyết định lại theo hướng khác…

Cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.