Ai giúp doanh nhân trưởng thành?

Một phòng thí nghiệm của Cty Green thuộc tập đoàn Phú Thái.
Một phòng thí nghiệm của Cty Green thuộc tập đoàn Phú Thái.
TP - Nhiều người có thói quen đo đếm sự thành công của một doanh nhân bằng siêu xe, biệt thự lớn, cuộc sống đủ đầy. Tuy nhiên, doanh nhân Phạm Ðình Ðoàn có những suy nghĩ khác về những người trong giới của mình. Ông đã chuyển tải những trăn trở thành bài viết dưới đây.

Dễ chán nản khi gặp thách thức mới

Những năm gần đây, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhiều doanh nhân phần nào đã thấm đòn về sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường. Không ít doanh nhân lâm vào tâm trạng chán nản, đóng cửa nhà máy, thậm chí bị tâm thần, bỏ trốn ra nước ngoài. Có người bức bí sinh ra lừa đảo…

Cuối năm 2015, Việt Nam gần như hội nhập toàn diện. Vậy, doanh nhân Việt Nam muốn đi xa hơn nữa? Cũng có rất nhiều tâm trạng trong giới doanh nhân. Có người không có tư tưởng phát triển thêm nên thu gọn kinh doanh lại, chỉ làm vừa phải để hạn chế rủi ro. Có doanh nhân bán doanh nghiệp, ra nước ngoài sống. Có doanh nhân liều hơn, khi bước đường cùng, họ làm quyết liệt, giành giật hơn trong cuộc chiến cuối cùng, trước khi bước vào một giai đoạn minh bạch mới. Cũng có những doanh nhân mơ ước bay bổng, có người tham gia nhiều vào hoạt động xã hội…

Tiếp xúc nhiều với cộng đồng doanh nhân nước ngoài và các ông chủ lớn, tôi suy nghĩ: Tại sao doanh nghiệp họ lớn, phát triển tốt, nước họ giàu mạnh? Cái sâu xa tôi cho rằng, là từ doanh nhân và thể chế quản lý của Nhà nước.

Ở những nước có doanh nhân và tập đoàn kinh tế lớn, họ đều có sự toan tính rất lớn từ Chính phủ. Sự toan tính đó phải có chiến lược. Hiểu góc độ nào đó, Chính phủ phải định hướng giúp doanh nhân. Họ tính toán để vẽ những con đường mạch lạc, giúp hình thành những doanh nhân, doanh nghiệp lớn.

Ðương nhiên, ngoài góc độ đường lối, chính sách, thể chế…, quan trọng là sức bật từ bản thân doanh nhân. Doanh nhân đời mới, tập hợp rất nhiều điểm mạnh của thời kỳ cạnh tranh và hội nhập. Ngày xưa, chúng ta thường nói phải có tài, có đức; nhưng nay, ngoài điều đó, còn phải có sức khỏe, có khả năng làm việc tập thể, khả năng hội nhập,… 

Với doanh nhân nước ngoài, họ có điểm chung: Khát vọng, và muốn khẳng định vị thế. Với các tỷ phú thế giới từng gặp, tôi thấy họ suy nghĩ lớn, có thể nói vĩ đại. Tuy vậy, họ giản dị trong đời thường. Có nhiều lần đi ăn trưa với một tỷ phú, tôi thấy họ rất tiết kiệm. Ông ấy lấy bánh mỳ quẹt sạch cả đĩa, và lần nào cũng vậy. Hay tôi gặp những tỷ phú mười mấy tỷ đô la Mỹ, họ tiết kiệm thời gian, việc đi lại, nhà cửa, xe cộ… cũng đời thường. Cũng có tỷ phú hưởng thụ, nhưng ở mức độ vừa phải. Có lẽ, các tỷ phú đang dành nhiều thời gian, tâm sức trong công việc kinh doanh nên chưa có thời gian để hưởng thụ chăng?

Bình đẳng xe biển xanh, biển trắng

Với các doanh nhân lớn nước ngoài, cùng đội ngũ trợ lý, tư vấn hùng hậu; họ thường suy nghĩ, tính toán rất chi tiết khoa học với tầm nhìn rất xa, rộng. Ở Việt Nam hầu hết các doanh nhân đều đại khái, xuề xòa; thường nghĩ những thứ không sâu và dễ thỏa hiệp, dễ hài lòng với điều đang có. Phải chăng, sự xuề xòa đó khiến chúng ta chưa có những doanh nhân, tập đoàn tầm cỡ; chưa đem lại cho đất nước sự đột phá.

Ông Phạm Ðình Ðoàn là Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Holdings), với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho trên 5.000 lao động. Ông Ðoàn cũng là Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp. Ông từng tốt nghiệp MBA ở Trường AIT và trường Ðại học Standford (Hoa Kỳ) và đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Malaysia.

Phải là “doanh nhân 10 trong 1”, chúng ta mới cạnh tranh được. Ông Phạm Ðình Ðoàn

Với doanh nhân Nhật Bản hay Hàn Quốc, họ rất kỹ, chi tiết, nghiêm khắc và kỷ luật, nhất là giờ giấc làm việc. Tôi từng dự họp thành viên ban lãnh đạo của một doanh nghiệp. Trong cuộc họp họ trao đổi nhẹ nhàng, nhưng khối ông toát mồ hôi hột. Mô hình quản trị có trên, có dưới, tính tự trọng rất cao.

Hay câu chuyện môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Trước đây, chúng ta thường nhắc đến sự thiên lệch giữa kinh tế tư nhân và nhà nước. Nhưng nay, ngay cả trong tư nhân cũng có sự phân biệt với nhau. Nhiều doanh nghiệp tư nhân có các mối quan hệ cũng lợi thế ghê gớm. Trong khi đó, nhiều doanh nhân được đào tạo bài bản, giàu kiến thức, nhưng lại thấp cổ bé họng, không tiếp cận được với các nguồn lực phát triển. Với môi trường đó, khó khuyến khích được những người giỏi.

Ai giúp doanh nhân trưởng thành? ảnh 1

Ông Phạm Ðình Ðoàn.

Cũng giống như chuyện đi xe “biển xanh”, “biển trắng”. Tại sao không để công bằng với nhau, đã lái xe, ai cũng phải tuân thủ luật; tránh để những người có lợi thế “vượt đèn đỏ”. Ở nước ngoài, kể cả tổng thống vi phạm cũng bị xử phạt như  thường. Một đất nước không thể phát triển chỉ dựa trên mối quan hệ được. Nền kinh tế chưa minh bạch cũng giống như bong bóng, chưa phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế thị trường.

Một “bệnh” nữa mà chúng ta thường gặp: “Nói cho vừa lòng nhau”. Tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo; chúng ta kêu ca nhiều, nhưng chưa đưa ra giải pháp. Bây giờ chúng ta phải nói về việc làm và kết quả của công việc, hơn trau chuốt những lời nói, bản báo cáo đẹp.

Trong công cuộc phát triển đất nước, rõ ràng ý chí, trí tuệ của cộng đồng trên 90 triệu dân rất quan trọng. Làm thế nào để tóm được các ý tưởng, trong đó có cả ý tưởng đột phá, thậm chí phản biện, trái ngược. Chừng nào chúng ta bỏ hết được tư duy bè cánh, sử dụng đúng người tài… mới tạo ra sự đột phá toàn dân.

Người Việt có chỉ số IQ khá cao ở châu Á, đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Ðó là tố chất tốt để phát triển, nhưng tại sao vẫn chưa vượt lên được. Phải chăng các nguồn lực triệt tiêu lẫn nhau, vướng chỗ này, chỗ kia?

Còn nông nổi, trẻ con

Nhiều doanh nhân trong nước, tôi thấy hơi bất ngờ vì họ xem nhẹ việc học tập. Phải chăng cái học đó, như nhiều người nói cũng chẳng để làm gì. Khi tiếp xúc với doanh nhân nước ngoài, họ nói rằng, nhân viên ở doanh nghiệp Việt Nam như “trẻ con”. Khi ông chủ vắng, họ trốn việc. Hay người Việt Nam nhạy cảm, khi bàn bạc hễ chạm tự ái, sẵn sàng bỏ việc luôn. Dường như sự đề kháng trong tâm lý không tốt.

Nhiều ông chủ nước ngoài nói với tôi, nhân viên Việt Nam cứ suốt ngày hỏi cấp trên. Nếu ở công ty nước ngoài, một cấp quản lý mà không quyết định và chịu trách nhiệm ở phần việc của mình sẽ bị sa thải. Vì bản thân ở cấp quản lý, ông được giao trách nhiệm quyết định, chứ không phải trách nhiệm “đề xuất” và “đùn đẩy công việc và trách nhiệm”.

Năng lực quản trị, điều hành hệ thống cũng là bài học lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tạo sao các tập đoàn kinh tế nhà nước không vì cái chung, thiếu tinh thần trách nhiệm và người điều hành ở dưới không tốt.

Còn các tập đoàn tư nhân của Việt Nam, hiện nay nhiều cái đang phình quá to cũng là một dấu hỏi. Ở các nước, các tập đoàn kinh tế lớn có đại hội đồng cổ đông, ban kiểm soát, có giám sát của nhà nước, các tổ chức độc lập… đảm bảo doanh nghiệp đó khỏe thật hay không. Còn ở Việt Nam, có ai dám khẳng định doanh nghiệp đó khỏe, hay yếu? Có nhiều con số bị giấu kín.

MỚI - NÓNG