AI, Blockchain giúp kiến tạo thành phố thông minh ở Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
Blockchain có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, bảo mật và tính minh bạch của các thành phố thông minh, thúc đẩy niềm tin giữa người dân và chính phủ. Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp xây dựng hệ thống quản lý chung, giúp người dân tra cứu thông tin theo hướng cá nhân hóa, sát với nhu cầu tìm kiếm.
AI, Blockchain giúp kiến tạo thành phố thông minh ở Đà Nẵng ảnh 1

Các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn.

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng phối hợp với Binance Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Đổi mới Đà Nẵng: Công nghệ Mới và Thành phố Thông minh: Tầm nhìn tương lai”.

Ông Nguyễn Văn Quốc - Giám Đốc Trung Tâm Giám Sát, Điều Hành thông minh Đà Nẵng cho biết, với chiến lược “Chính phủ số, Công dân số, Doanh nghiệp số”, Đà Nẵng đang xây dựng một thành phố thông minh, sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng cường hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế bền vững.

“Nhìn về tương lai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục chú trọng vào việc phát triển các lĩnh vực công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Big Data). Chúng tôi kỳ vọng rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự cam kết mạnh mẽ từ phía chính quyền, các doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ, Đà Nẵng sẽ nhanh chóng khẳng định vị thế của mình như một trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam và khu vực”, ông Quốc chia sẻ.

Theo bà Lynn Hoàng, Giám đốc Quốc gia Binance, Blockchain có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, bảo mật và tính minh bạch của các thành phố thông minh, thúc đẩy niềm tin giữa người dân và chính phủ, cho phép quản lý đô thị hiệu quả và sáng tạo hơn.

Chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, TS Nguyễn Phong Sơn chia sẻ, AI có thể được ứng dụng để xây dựng hệ thống quản lý chung cho thành phố với đầy đủ các dữ liệu về y tế, văn hoá, giáo dục, du lịch, kiến trúc, giúp người dân tra cứu thông tin theo hướng cá nhân hóa, sát với nhu cầu tìm kiếm.

Tiến sĩ Trần Minh Tùng - Giám đốc Trường Kinh doanh và Công nghệ FPT Đà Nẵng kỳ vọng rằng trong khoảng 5-10 năm tới, mạng lưới vạn vật kết nối (IoT) sẽ phủ khắp thành phố Đà Nẵng, có trạm cảm biến về chất lượng không khí, nhiệt độ hoặc các ứng dụng cảnh báo về tắc đường, xả thải…giúp cảnh báo đến người dân và chính quyền kịp thời.

Tuy nhiên, theo bà Lynn Hoàng, với những công nghệ mới, nên tiếp cận một cách thông minh, an toàn, không vội vàng nhưng cũng không nên quá cứng nhắc, có thể thử nghiệm trong quy mô nhỏ để có đánh giá toàn diện trước khi áp dụng diện rộng.

Bà Lynn Hoàng cho rằng, nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, sẽ tạo lực đẩy mạnh cho Đà Nẵng phát triển thần tốc trong 10 năm tới.

MỚI - NÓNG