Ai bán quyền công dân?!

Ai bán quyền công dân?!
TP - Kể mà có điều kiện thỉnh thoảng sang sống ở nước khác vài năm cũng là một trải nghiệm hay. Văn minh nhân loại hiện cho phép điều đó xảy ra, với những người giỏi (có khả năng làm việc ở bất cứ đâu) và những người giàu (đủ tiền để sống bất cứ đâu). Nhiều khi người giàu chính là người giỏi, kiếm ra tiền dựa trên trí tuệ và sức lao động chính đáng.

Còn những người đã xác định làm “đầy tớ” cống hiến cho nhân dân của họ thì thời gian tâm sức nào hòng kiếm ra vài triệu đô cống nạp cho nước ngoài, đổi lấy tấm hộ chiếu?! Mà họ ra nước ngoài lúc cuối đời làm gì nhỉ?! Về già, người ta có xu hướng hồi hương mới phải. Câu trả lời nhiều khi rất đơn giản: Nước đó cho phép họ cùng gia đình thoải mái tiêu số tiền đã kiếm mà không phải e ngại về luật pháp.

Chắc chắn ĐBQH Phạm Phú Quốc, một trong 26 người Việt Nam được đài Al Jazeera công bố đã được Síp (Cyprus) cấp quốc tịch không phải trường hợp duy nhất làm trong lĩnh vực công nhưng lại muốn có thêm một quốc tịch khác. “Hồ sơ đảo Síp” của Al Jazeera cho hay quốc đảo này cấp hộ chiếu cho cả các đối tượng lưu vong hoặc ngay trước khi họ phải đối mặt với các cáo buộc phạm tội. “Vấn đề của việc biến quyền công dân thành hàng hóa nằm ở chỗ người ta sẽ lạm dụng các quyền mới có để trốn tránh trách nhiệm giải trình tại quốc gia gốc của họ”, Al Jazeera nói rõ.

Chương trình bán quốc tịch thông qua đầu tư của Síp được cho là thiết kế để thu hút những người đang tìm cách đến EU nhanh nhất có thể. Ông Quốc tưởng như đã chọn được thời điểm vàng để có được hộ chiếu Síp từ 2018. Trong khi tới tháng 7/2019, quyết định cấm các cá nhân “có nguy cơ cao” đăng ký xin quốc tịch Síp theo hình thức đầu tư mới được thực thi. Còn từ tháng 7/2020, “khách hàng” nào bị phát hiện ra đang bị điều tra, truy nã… trước đó mới bị Síp thu lại hộ chiếu.

Ở Việt Nam, luật cấm ĐBQH mang 2 quốc tịch cũng chỉ có hiệu lực từ 2021. Tuy nhiên nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội vừa khẳng định trên báo rằng với tư cách ĐBQH, ông Quốc đã vi phạm nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền: Công dân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng công chức, viên chức và cán bộ cơ quan Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Mà không có luật nào cho ĐBQH được mang quốc tịch khác. Thực tế từ 2016, khi Luật Tổ chức Quốc hội còn chưa được sửa đổi, doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bị bãi miễn tư cách ĐBQH, sau khi bị phát hiện có thêm quốc tịch Malta. Nhiều khi người ta không thể có cả hai thứ trong một đời. Bằng tiền kinh doanh bà có thể mua hộ chiếu của bất cứ nước nào. Nhưng biết đâu chính vị thế ĐBQH cũng giúp bà kiếm tiền tốt hơn thì sao?!

Nếu không có cuộc điều tra công phu của nhà đài Qatar kia, có lẽ ông Quốc cùng gia đình sẽ hạ cánh an toàn ở đảo quốc thuộc EU, rồi tha hồ tự do đi lại, làm việc, giao dịch tiền tệ hầu khắp lãnh thổ châu Âu. Nhưng đảo này cũng mới quy định không bán quốc tịch cho ngay cả người thân của quan chức nhà nước.

Kinh doanh quyền công dân làm giàu cho một số nước và ngược lại rõ ràng khiến cho nguồn lực của các quốc gia có nhiều người ham hố hộ chiếu nước khác suy giảm đáng kể. Và như thế nước giàu cứ giàu thêm, nước nghèo cứ chảy máu cả chất xám lẫn tiền bạc mãi…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.