Agribank: Tín dụng tập trung phát triển sản xuất kinh doanh

Agribank: Tín dụng tập trung phát triển sản xuất kinh doanh
Trong 05 tháng đầu năm 2017, triển khai đồng bộ các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt hiệu quả, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung ứng khoảng 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế.

Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ. Là NHTM Nhà nước giữ vai trò chủ lực trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Agribank tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng hướng dòng vốn tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.

Triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi

Năm 2017, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Tính đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VND tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.

Với kinh nghiệm gần 30 năm giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, Agribank luôn tích cực đồng hành cùng ngành Ngân hàng triển khai chính sách tín dụng  tiếp tục hướng dòng vốn vay đến các lĩnh vực ưu tiên cần khuyến khích theo các Nghị quyết của Chính phủ, góp phần hỗ trợ tăng trưởng bền vững nền kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Tính đến 31/5/2017, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 800.000 tỷ đồng, trong đó,dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và chiếm hơn 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành Ngân hàng.

Agribank tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình trọng điểm của Chính phủ, NHNN như cho vay phục vụ chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 và 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 63,65,68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Chính phủ; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và thông tư 14/2009/TT-NHNN của NHNN; Cho vay gia súc, gia cầm theo văn bản số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012; Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước; Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Cho vay tái canh cà phê khu vực Tây Nguyên; Cho vay xây dựng nông thôn mới…

Đặc biệt, để đón “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp  ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tích cực đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm ...  Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nền nông nghiệp hiện đại, an toàn, phát triển bền vững.

Trước khi có Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng có quy mô 100.000 tỷ đồng dành cho “phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, ngày 01/11/2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng trong đó có rất nhiều đối tượng, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch vay vốn từ Agribank, dư nợ đến nay đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, như: Mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), trồng mía (Khánh Hoà, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)… Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, qua đó dần hình thành “làn sóng” đầu tư lĩnh vực này.

Agribank: Tín dụng tập trung phát triển sản xuất kinh doanh ảnh 1

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Riêng năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất trên toàn quốc, với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm để hỗ trợ các đối tượng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Đây là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Agribank khi vừa đảm trách nhiệm vụ chính trị của NHTM Nhà nước, vừa hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Agribank là NHTM có mạng lưới rộng lớn nhất bao phủ khắp mọi vùng miền, huyện đảo, tuy nhiên để duy trì vận hành mạng lưới lớn đồng nghĩa với duy trì chi phí cao.

Ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, món vay thường nhỏ lẻ; Hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế; Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt thấp, thói quen sử dụng tiền mặt và điều kiện cơ sở vật chất, đời sống người dân đã được cải thiện nhưng vẫn thua khá xa so với khu vực đô thị. Agribank phải bỏ ra một lượng chi phí không nhỏ để dự trữ điều hòa tiền mặt, chưa kể chi phí kiểm đếm, bảo hiểm tiền, hệ thống kho tàng, thiết bị... 

Mặc dù với những khó khăn như vậy, nhưng kiên định mục tiêu vì “Tam nông”, Agribank làm tốt công tác huy động nguồn vốn ở các thành phố lớn với lãi suất cạnh tranh, điều tiết và chuyển tải vốn về khu vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn để cho vay với lãi suất thấp nhằm đưa nguồn vốn tín dụng góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, bên cạnh đó là những nguy cơ luôn rình rập về an toàn đến tính mạng và tài sản đối với cán bộ cơ sở, thường xuyên đến những vùng xâu, vùng xa để thực hiện nghiệp vụ cho vay, thu nợ đối với khách hàng.

Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã phát huy tốt hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, làm khởi sắc diện mạo khu vực nông thôn.

Nhằm thực hiện tốt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về thực hiện các giải pháp về lãi suất, đồng thời chia sẻ, hỗ trợ khách hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiếp tục hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Agribank đã nghiêm túc, tiên phong thực hiện ngay việc hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng.

Cụ thể, kể từ ngày 10/07/2017, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo TT39/2016/TT-NHNN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh. Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục chủ động, mở rộng và đa dạng các hình thức huy động vốn; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; áp dụng mức thu phí hợp lý đối với các khoản phí được thu theo quy định của pháp luật nhằm tạo điều kiện và chia sẻ khó khăn đối với khách hàng.

Đẩy mạnh mở rộng, nâng cao chất lượng tín dụng

Với mục tiêu xuyên suốt chủ lực thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về đầu tư phát triển kinh tế- xã hội nói chung, chủ lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng, đồng thời quán triệt chỉ đạo của NHNN, trong thời gian tới, Agribank đề ra mục tiêu cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 70% tổng dư nợ, quán triệt các chi nhánh trên toàn hệ thống tập trung mở rộng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng.

Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, vừa đảm bảo chặt chẽ, vừa linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng nhưng cũng đảm bảo an toàn vốn. Tăng trưởng tín dụng phải gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn, hiệu quả. Agribank đẩy mạnh huy động vốn, tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân đối với các lĩnh vực ưu tiên đó là nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; Chính sách phát triển thủy sản; Chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thấy trong nông nghiệp; Cho vay tái canh cà phê… Agribank chủ trương tiết giảm chi phí hoạt động để tham gia chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Chính phủ, NHNN và của Agribank; đảm bảo nhu cầu vốn tín dụng cho các dự án trọng điểm quốc gia, công trình cấp bách… Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Agribank ban hành đồng bộ chính sách ưu đãi về lãi suất tiền gửi, tiền vay, phí thanh toán, phí dịch vụ và các chính sách khác để khách hàng có thể sử dụng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết.

Năm 2016, Chính phủ đưa ra hàng loạt các cam kết chính sách về ưu đãi đầu tư, tích tụ ruộng đất, cải cách thủ tục hành chính...  do đó xu hướng chuyển mạnh sang đầu tư vào thị trường nông nghiệp ngày càng hiện hữu. Để giữ vững vị trí số 1 trên thị trường tín dụng “Tam nông”, khơi thông dòng chảy nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, Agribank xây dựng chiến lược đưa vốn và dịch vụ ngân hàng đến từng hộ sản xuất, liên kết hợp tác với Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh và đặc biệt là phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở để đồng hành cùng doanh nghiệp và hộ sản xuất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Lần đầu tiên trong quy chế cho vay khách hàng, Agribank đã mạnh dạn dành riêng một phần quy định về “cho vay hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn” trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh…

Với hệ thống công nghệ, cơ sở mạng lưới, đội ngũ nhân viên chuyển tải dịch vụ ngân hàng trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn, Agribank hoàn toàn tin tưởng vào việc sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao, vừa đảm bảo kinh doanh hiệu quả,  đủ sức đảm bảo vốn cho các dự án có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đó là tiếp tục cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp… đồng thời đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn; triển khai mô hình “Ngân hàng lưu động” để đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn, tăng tính chủ động đối với khách hàng trong giao dịch với Agribank.

MỚI - NÓNG