Theo đó, Agribank chỉ đạo các Chi nhánh Agribank Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Hòa Bình chủ động áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đang vay vốn tại chi nhánh bị thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra, cụ thể: Miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh; Thực hiện cho vay mới để khối phục sản xuất sau lũ đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất khả thi; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các Sở, Ban, Ngành tại các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, sớm phục hồi sản xuất. Agribank cũng sẽ triển khai các hoạt động an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 10.
Với các chính sách, biện pháp hỗ trợ nêu trên, Agribank mong muốn cùng Chính phủ, ngành Ngân hàng kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng người dân tại các địa phương, giúp khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 10 gây ra sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đến 30/9/2017, dư nợ Agribank đầu tư nông nghiệp, nông thôn chiếm 73,9% tổng dư nợ, tiếp tục chiếm trên 50% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”. Tốc độ tăng trưởng tín dụng “Tam nông” của Agribank tiếp tục tăng mạnh. Agribank tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính khu vực nông nghiệp, nông thôn.