Ách tắc tầm nhìn

Ách tắc tầm nhìn
TP - Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) đã và đang ùn tắc toàn diện. Thỉnh thoảng, một số cá nhân, tổ chức lại nảy ra một số giải pháp, trong đó không ít giải pháp ngắn hạn, thậm chí ngẫu hứng. Điều đó cho thấy sự bế tắc trong tầm nhìn và thiếu một sự quyết liệt, tâm huyết trong thực thi.

Dư luận nhiều tháng qua ngụp lặn trong bể thông tin về thực trạng và giải pháp chống ùn tắc cho TSN. Cục Hàng không đề nghị đưa máy bay xuống Cần Thơ, lên Cam Ranh vì TSN thiếu chỗ đỗ, khuyến khích các hãng bay đêm để giảm tải. Căn cơ hơn, Chính phủ ráo riết đề nghị lấy đất Quốc phòng để mở rộng TSN.

Ngoài sân bay, nhẹ là các giải pháp tổ chức, phân luồng, cấm đường; mạnh dạn và tốn kém hơn là đề xuất làm cầu cạn, mở đường tiếp cận thành phố. Thậm chí, có đơn vị đưa ra ý tưởng hiếm có trên thế giới: Làm cáp treo, đưa người lắc lư từ công viên gần đó vào sân bay.

PGS.TS.Nguyễn Thiện Tống - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa TPHCM hay TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON (các nhà khoa học vài năm qua dành sự quan tâm đặc biệt, không công) cho việc đi lại bằng đường hàng không phía Nam cho rằng: Các giải pháp của Cục Hàng không đưa ra không căn cơ. Đơn cử, việc sơ tán máy bay từ Cần Thơ về TP HCM (kể cả việc không có chuyến bay rỗng) gây tốn kém, giảm hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không, rộng ra là thiệt hại cho toàn xã hội. Trong khi những giải pháp lấy diện tích đất Quốc phòng chưa sử dụng, hoặc chỉ để làm sân golf cơ hồ có thể giải quyết căn bản cho TSN vẫn chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng và triển khai quyết liệt.

Các quốc gia khác, khách bay đêm dù có mệt mỏi nhưng bù lại được hưởng giá vé rất rẻ vì các chi phí thực hiện chuyến bay được giảm. Đó là cơ chế thị trường, một tầm nhìn dài hạn. Trong khi, ở các sân bay ở ta, không có cơ chế giá phục vụ sân bay đêm rẻ hơn ban ngày. Có vẻ như, người ta ngại phục vụ đêm vì tốn công, mất sức, lãi trước mắt không được bao nhiêu?         

Việc trước đây cắt đất của TSN để làm các công trình phi hàng không, làm nhà ở, làm sân golf (cách đây chưa lâu) thể hiện sự chưa tính toán kỹ lưỡng để dự báo hết tốc độ phát triển. Khi mọi sự đã rồi, nay vẫn còn câu hỏi căn bản “khả năng đáp ứng tối đa của TSN là bao nhiêu nếu mở rộng?” vẫn chưa được trả lời.

Mới đây, lãnh đạo Chính phủ đặt đề bài nâng công suất của TSN lên 40 - 50 triệu khách/năm, trước khi có Sân bay Long Thành. Cục trưởng Hàng không dự báo chỉ nâng lên được khoảng 38 triệu khách vào năm 2019. Đó là một sự chênh lệch lớn, chưa chắc chắn.

Trong cuộc trao đổi kỹ lưỡng với các cơ quan chuyên môn tại TSN sáng 13/1, những câu hỏi về sự quá tải của TSN luôn nhận được câu trả lời rất bài bản: Các cơ quan chức năng đang chuẩn bị thực hiện dự án tăng cường năng lực Sân bay TSN, khi có dự án sẽ có câu trả lời chính xác.

Giá như, sự chuẩn bị bài bản, chuẩn tắc đó được làm từ trước đó nhiều năm và có một quyết tâm lớn để thực hiện, có lẽ TSN đã không trở thành mớ bòng bong như ngày hôm nay.

MỚI - NÓNG