Tốt nghiệp ngành điện lạnh, Trường Cao đẳng nghề số 5 Đà Nẵng với tấm bằng loại ưu, nhưng bằng niềm đam mê với rắn anh Minh đã từ chối nhiều lời mời từ các công ty điện lạnh để về quê nuôi rắn hổ mang. Giữa năm 2012, anh Minh đã xin cấp phép của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình và bắt đầu nuôi 100 con rắn đầu tiên ở 3 chuồng nuôi.
Lứa đầu tiên anh bỏ ra 30 triệu đồng mua con giống và xây chuồng trại. Đến lúc rắn trưởng thành, anh xuất bán nhưng chỉ thu được vỏn vẹn 30 triệu đồng. Thế nhưng anh Minh không nản mà lấy đó làm động lực để quyết “sống chết” với nghề nuôi rắn.
Rút kinh nghiệm từ lần nuôi trước, lứa sau anh ra một số trại nuôi rắn ở Thanh Hóa để tìm hiểu kỹ thuật nuôi rắn hổ mang. Tại đây, anh được nhiều người dân chỉ dạy các kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, tìm hiểu các bệnh lý thường gặp, đặc biệt là đặc tính sinh học của rắn.
“Địa hình ở quê mình là địa hình bán sơn địa, khô ráo, thoáng mát nên rất thích hợp cho việc nuôi rắn hổ mang. Rắn hổ mang là một loài dễ nuôi, ít bệnh tật. Chỉ cần chuồng trại đảm bảo được yếu tố sạch sẽ, yên tĩnh, kín gió thì rắn sẽ lớn rất nhanh. Thức ăn chủ yếu là ếch nhái, chuột dễ dàng kiếm ở vùng nông thôn như quê mình. Nguồn thức ăn dồi dào cũng là một điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi rắn” - anh Minh cho biết.
Theo anh Minh, thời gian để xuất bán được một lứa rắn thì tùy theo kích cỡ và chất lượng giống mà thời gian nuôi có thể kéo dài từ 1 – 1,5 năm. Riêng anh, do luôn có nguồn giống đảm bảo chất lượng lại thêm nuôi đúng kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình tự mày mò, học hỏi, đúc rút từ thực tế nên chỉ nuôi từ 7 – 8 tháng là anh đã có thể xuất bán, con to có trọng lượng khoảng 2,5kg, trung bình từ 1,5 – 2kg, giá bán dao động từ 600 - 800 nghìn đồng/kg, lúc cao có thể lên tới 1 triệu đồng/kg. Tính bình quân, sau khi trừ các khoản chi phí đầu vào, anh thu về từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, anh Minh hiểu rằng, nuôi rắn hổ mang cũng là nghề vô cùng nguy hiểm, nếu không nắm bắt được những đặc tính sinh học của loài vật này. “Nhiều người nghĩ, rắn là loài động vật hung dữ vì hay tấn công người. Tuy nhiên, nếu mình có thời gian tiếp xúc với rắn nhiều và giữ cự ly an toàn với chúng thì chúng sẽ rất ôn hòa. Tiếp xúc nhiều, rắn sẽ quen với thân nhiệt của mình và từ đó sẽ giảm bớt bản tính hoang dã trong chúng” - anh Minh chia sẻ kinh nghiệm.
Tuy nhiên, theo Minh dù quen đến mức độ nào thì người nuôi rắn cũng cần phải có tính cẩn thận khi tiếp xúc với chúng để sẵn sàng chủ động mọi tình huống, bởi nọc rắn hổ mang cực độc, người bị cắn có thể mất mạng nếu trúng một cú tấn công của chúng.