Chưa khoa học
Như Tiền Phong phản ánh, mới đây, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải (thuộc Bộ GTVT, được UBND TP Hà Nội mời lập đề án hạn chế xe cá nhân) giải thích về con số 90% người dân Hà Nội đồng ý cấm xe máy khiến dư luận nghi ngờ những ngày qua.
Phần trả lời của ông Mười có hai vấn đề được những người làm nghiên cứu và triển khai điều tra xã hội học quan tâm, bao gồm: Bảng phỏng vấn có đủ tên tuổi, địa chỉ chi tiết của người được khảo sát và lực lượng triển khai phỏng vấn là cảnh sát khu vực.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, nhà Tâm lý học, Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam phân tích: Khuyết danh (đối với đối tượng được điều tra) là một trong những nguyên tắc của điều tra xã hội học. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tuỳ vào mục tiêu, sự tác động của nội dung trả lời đối với người được phỏng vấn, phạm vi, chi phí… mà người khảo sát quyết định phỏng vấn có danh.
“Trong trường hợp đề án xe cá nhân của Hà Nội, cơ quan tiến hành điều tra có thể cho rằng, vấn đề không quá nhạy cảm nên khảo sát có danh. Điều này có thể chấp nhận được nhưng còn nhiều vấn đề chi phối như bộ câu hỏi được chuẩn bị ra sao, cách thức lựa chọn mẫu thế nào, cách thức trả lời phỏng vấn ra sao cần phân tích thêm” - TS Trịnh Hòa Bình cho hay.
Về việc để người thực hiện phỏng vấn là cảnh sát khu vực, PGS. TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, có thể cơ quan thực hiện nhằm tiết kiệm chi phí, nhất thể hóa việc triển khai nhưng sẽ khách quan, khoa học hơn nếu để những “cộng tác viên” điều tra chuyên nghiệp, những người hoạt động xã hội thực hiện. “Cảnh sát khu vực thực hiện một phần chức năng thu thập ý kiến xã hội. Nhưng giữa họ và người dân có những quan hệ về cấp phép, về quản lý… nên sẽ tác động đến phần trả lời. Đó là điều cần bàn. Còn nếu mục tiêu khảo sát để phụ họa cho một chủ trương, định hướng nào đó thì tôi không bình luận” - TS Trịnh Hòa Bình nói.
Một tiến sỹ giảng dạy về xã hội học cho hay: Khuyết danh là một nguyên tắc điều tra xã hội học được đưa ra trong các giáo trình giảng dạy đại học để đảm bảo tính khách quan, khoa học của khảo sát (tiến sỹ này cũng đề nghị khuyết danh khi trả lời phỏng vấn Tiền Phong). Theo vị này, phương pháp điều tra có danh chỉ là một quan điểm đang tồn tại không được nhiều người chấp nhận với mục tiêu tăng tính trách nhiệm của người được khảo sát nhưng dễ mất đi tính khách quan, khoa học. Thậm chí, theo nhiều chuyên gia khác, điều tra xã hội học khuyết danh và cả có danh phải có biện pháp bảo đảm bí mật cho người được khảo sát.
Về nhân sự thực hiện khảo sát, ông này cho rằng, việc để các đơn vị thực hiện công tác quản lý như công an, tổ trưởng tổ dân phố khảo sát, ký tên vào bản khảo sát, người khảo sát khó có thể bày tỏ ý kiến trái với số đông.
Khảo sát màu hồng, thực hiện kém khả thi
Vị tiến sỹ này cũng cho hay, việc đặt câu hỏi để điều tra đóng vai trò rất quan trọng trong điều tra. Một trong những nguyên tắc là không được đặt câu hỏi mớm, mang tính áp đặt như: “Với vấn đề này, có nhiều ý kiến đồng thuận, quan điểm của anh ra sao?…”.
Thực tế, trong bảng phỏng vấn của Viện Chiến lược và phát triển GTVT đưa ra có câu hỏi khiến cho người trả lời khó có thể trả lời “không”, nhất là trước sự chứng kiến của các cơ quan quản lý. Chẳng hạn có câu hỏi: Các thành viên trong gia đình anh/chị có đồng ý ủng hộ các chính sách của các cấp có thẩm quyền về tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố?
Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình cho hay, cá nhân ông ủng hộ lộ trình giảm sử dụng xe máy, và xe cá nhân nói chung. Nhưng với con số 90% số người đồng ý trong bối cảnh hiện nay, ông cho rằng, chưa đủ sức thuyết phục. “Kết quả khảo sát có thể là số liệu đầu vào của một kế hoạch nào đó; nếu số liệu đầu vào màu hồng thì kế hoạch thực hiện cũng màu hồng, kém khả thi. Muốn có kết quả tốt, phương án khả thi phải thực hiện khách quan, bài bản hơn nữa” - TS Trịnh Hòa Bình bình luận.
Về nội dung cụ thể của vấn đề hạn chế xe cá nhân (dự kiến đề án được thông qua vào giữa tuần này), chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hiện có khoảng 80% dân số Hà Nội di chuyển bằng xe máy. Xe máy chỉ chiếm diện tích 1/7 số ô tô con nhưng năng lực vận chuyển không kém nhiều so với ô tô. Theo TS Thủy, cấm xe máy chỉ thực hiện trong dài hạn (ban soạn thảo đặt mốc thực hiện vào năm 2030) và Nhà nước cần đi trước, quyết liệt phát triển giao thông công cộng.
“Bản thân chúng tôi khảo sát hàng nghìn cuộc; chúng tôi chỉ sử dụng cộng tác viên là những người hoạt động xã hội, không sử dụng những người làm công tác quản lý. Chỉ có những trường hợp bất đắc dĩ như khảo sát ý kiến các phạm nhân, buộc phải thông qua lực lượng công an tại trại giam, chúng tôi mới sử dụng cộng tác viên là lực lượng công an”.
Một tiến sỹ xã hội học