Anh Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Trường Hy Vọng vui mừng báo tin, 9 thí sinh trong trường đều đỗ đại học sau khi các trường công bố điểm chuẩn. Đây là lần đầu tiên mái nhà chung của những em nhỏ mồ côi vì COVID-19 từ nhiều tỉnh thành nhận niềm vui trúng tuyển dồn dập như thế.
9 học sinh Trường Hy Vọng trong ngày thi Tốt nghiệp THPT. |
Còn lâng lâng sau hai ngày biết kết quả, Lê Thị Thu Thảo kể đúng ngày lễ Vu Lan, khi Thảo đang tham gia hát văn nghệ tại trường thì nghe mọi người báo trường Đại học (ĐH) Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) công bố điểm chuẩn. Thảo hồi hộp vào xem, và thấy mình đã trúng tuyển vào ngành Sư phạm âm nhạc. “Lúc đó em vẫn chưa tin vào mắt mình là em đậu, em thẫn thờ một chút xong rồi nhảy lên vì quá sung sướng, em gọi điện báo cho các thầy cô và mẹ em. Đây kết quả và món quà em gửi tới thầy cô vì đã luôn bên em, đi thi năng khiếu cùng em, dạy em từng nốt nhạc, nhắc em đi học hằng ngày, lo cho em đi thi tốt nghiệp”, Thảo không giấu được cảm xúc.
Cùng chọn trường Sư phạm, Hà Thị Minh Tâm đã đậu vào ngành Địa lý học, Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp với 23,25 điểm.
Không chỉ những bạn nữ chăm học, có kết quả tốt trong lần vượt vũ môn quan trọng mà những nam sinh của trường Hy Vọng cũng đạt kết quả ấn tượng không kém. Tấn Quốc (khối D07) đạt 24,6 điểm, Nhật Văn (khối C00) đạt 23,5 điểm.
Lan Anh đã đến gần với giấc mơ làm bác sĩ. Ảnh: Thanh Hiền. |
Những ngày này, niềm vui ngập tràn trong mái nhà Hy Vọng. Kết quả của học tập, của những năm tháng xa nhà trong sự đùm bọc và dạy dỗ của thầy cô, anh chị đã thấy rõ. Và hơn hết, các em đã làm được điều mà cha mẹ ở nơi xa, hay dù không còn nữa vẫn hằng mong muốn: vượt qua đau thương để ngày mai tươi sáng hơn.
Đậu ngành Xét nghiệm Y học, Trường ĐH Y Phan Châu Trinh, Mai Nguyễn Thúy Anh tự tin rằng đó là kết quả em đã biết trước. Thúy Anh chọn ngành này bởi trong một lần tham quan trường, em bị thu hút và quyết tâm phải vào ngành Y cho bằng được. Còn Nguyễn Lan Anh thì thấy ước mơ khoác blouse trắng đã đến thật gần vì trúng tuyển vào ngành Bác sĩ đa khoa của trường này. “Em muốn chữa bệnh cho mọi người”, Lan Anh bày tỏ.
Anh Hoàng Quốc Quyền chia sẻ, phía trước các em là một hành trình dài và chắc chắn không ít khó khăn. Với những bạn học ở Đà Nẵng, trường luôn luôn chào đón. Tuy nhiên vì các bạn đủ 18 tuổi nên khi ở trường sẽ cần tuân thủ các quy định về ở và làm việc. “Nhà trường sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các bạn học tập, ngoài ra các bạn phải tự đi làm thêm để đảm bảo chi tiêu và duy trì cuộc sống. Trừ trường hợp đặc biệt, nhà trường sẽ xem xét theo chế độ hỗ trợ”, anh Quyền cho hay.
Các em vượt qua nỗi mất mát, đau thương vì đại dịch để đến với cánh cửa trường đại học. Ảnh: Thanh Hiền. |
Còn không lâu nữa sẽ tới ngày bước vào cánh cửa đại học, Thúy Anh tính toán nhà trường miễn 100% học phí và được ở tại kí túc xá nên sẽ đi làm thêm hoặc xin trực đêm tại các bệnh viện để kiếm thêm tiền sinh hoạt. Nhã Trân, đậu Đại học FPT cũng sẽ kiếm công việc làm thêm để chủ động chi tiêu cho bản thân, vì khoản học phí đã được nhà trường hỗ trợ.