70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hồi ức trận mở màn lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Huyên (sinh năm 1933, trú ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” trong chiến dịch Điện Biên Phủ là những tháng ngày không thể nào quên.

Xung phong nhập ngũ

Những ngày cuối tháng Tư, chúng tôi ngược về thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) tìm gặp đại tá Nguyễn Huyên - người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở tuổi 91, tóc người cựu chiến binh Điện Biên đã bạc, mắt đã mờ nhưng giọng nói vẫn hào sảng, âm vang. Chậm rãi, đại tá Huyên bắt đầu ký ức Điện Biên bằng câu chuyện những ngày nhập ngũ năm 1950, khi ấy ông mới tròn 17 tuổi.

Là con một trong gia đình bố mẹ làm nông ở làng Đại Nghĩa, xã Đức Yên (nay là thị trấn Đức Thọ), tư chất thông minh, Nguyễn Huyên được mẹ đầu tư học văn hoá. Nhưng chàng thanh niên trẻ lúc đó muốn cầm súng, muốn đứng vào hàng ngũ cống hiến sức mình cho Tổ quốc. Vì vậy khi bộ đội về trường tuyển quân, cậu liền xung phong. Quyết định này được chàng trai âm thầm giấu kín, bởi nói ra, gia đình sẽ không đồng ý khi cậu mới cưới vợ được vài tháng.

“Hồi đó trong lớp mỗi tôi xung phong đi bộ đội. Tôi khi ấy nhỏ, người cao chưa đầy mét sáu đâu, nhưng quyết tâm vào bộ đội lắm. Là con trai một, vợ thì mới cưới, phải trốn mẹ, trốn vợ đi chứ không ai muốn tôi nhập ngũ”, Đại tá Huyên tâm sự.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hồi ức trận mở màn lịch sử ảnh 1

Đại tá Nguyễn Huyên kể lại hồi ức Điện Biên Phủ.

Cứng rắn với quyết định của mình, ngày 5/11/1950, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Huyên lên đường nhập ngũ cùng 40 thanh niên trong xã.

“Khi nghe tin, mẹ tôi đã đi bộ hàng chục km từ Đức Thọ đến Nam Đàn, nơi đang tạm đóng quân trước khi ra Tây Bắc để xin cho tôi về. Nhưng khi đến nơi nghe được nguyện vọng của tôi, được cán bộ động viên, mẹ đồng ý và quay trở về quê, còn tôi vào chiến trường”, Đại tá Huyên nhớ lại.

Nhận nhiệm vụ, Nguyễn Huyên được phân công làm quân khí viên cho đại đội vệ binh bảo vệ bộ tham mưu Đại đoàn 312. Sau khi tham gia chiến dịch Trần Hưng Đạo (1950); Chiến dịch Lý Thường Kiệt (1951).... Đến tháng 11/1953, Nguyễn Huyên cùng đơn vị bắt đầu hành quân vào Điện Biên Phủ. Thời điểm này Nguyễn Huyên được điều lên Trung đoàn 209 với nhiệm vụ làm vận tải vũ khí.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hồi ức trận mở màn lịch sử ảnh 2

Đại tá Nguyễn Huyên đón nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Theo dòng hồi ức, đại tá Huyên nhớ lại, thời điểm đó chiến dịch trong giai đoạn bắt đầu, đơn vị ông được phân công nhiệm vụ mở màn của chiến dịch, tấn công vào Him Lam. Nhắc đến trận chiến, người cựu binh rưng rưng: “Ngày ấy, chỉ hoạt động dưới hầm hào, anh em chia nhau từng nắm cơm, ngụm nước để cùng chiến đấu. Để chuẩn bị cho trận đánh mở màn này, bộ đội ta phải chuẩn bị cả tháng trời”.

Hồi ức trận mở màn Him Lam

70 năm đã trôi qua, người lính Điện Biên năm xưa vẫn nhớ rõ, công việc đầu tiên mà ông cùng đồng đội phải làm là vận chuyển vũ khí vào hào để tiếp cận các vị trí chiến đấu của địch. Theo Đại tá Huyên, thời điểm đó cứ điểm Him Lam được Bộ Chỉ huy mặt trận xác định là trận mở màn nên phấn đấu "trận đầu phải thắng”. Tuy nhiên sau đó kiểm tra lại toàn bộ hầm hào, Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định dời ngày tấn công sang 13/3/1954 với chủ trương “đánh chắc, tiến chắc”.

“Cuộc chiến đấu cam go bắt đầu ngay từ tiếng súng đầu tiên nổ ra. Những ngày tham gia chiến đấu, trời Điện Biên có mưa, đất bùn nhão nhoét. Ở trên trời máy bay thi nhau ném bom, nã đạn. Trong hầm hào, cả ngày lẫn đêm, hai bên cứ giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào”, Đại tá Huyên nhớ lại.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hồi ức trận mở màn lịch sử ảnh 3

Đại tá Nguyễn Huyên sống vui bên gia đình.

Kể đến đây, Đại tá Huyên rưng rưng nước mắt. Bởi trong cuộc chiến này, ông đã chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh. “Rất nhiều đồng đội hy sinh ở hầm hào. Nhưng lúc đó cấp bách, chúng tôi không thể làm được gì, anh em nén nỗi đau vội bước qua để kịp thời vận chuyển hàng hóa, súng đạn lên trận tuyến”, Đại tá Huyên xúc động kể.

Khi chiếm được đồi Him Lam, lúc này, ngoài nhiệm vụ vận chuyển đạn dược tư trang vào tiếp tế, Đại tá Nguyễn Huyên được cử đi dẫn giải tù binh từ mặt trận về trung tuyến. “Lính Pháp cao to, còn tôi lúc đó nhỏ lắm. Khi nhận nhiện vụ dẫn giải tù binh, tôi bắt chúng đeo giày lên cổ, tay giơ lên cao tránh cho việc lẩn trốn”, Đại tá Huyên nhớ lại.

Theo Đại tá Huyên, chiều và tối 7/5/1954, sau khi quân ta đã bắt sống tướng Đờ Cát, binh lính pháp lũ lượt kéo nhau từ trong các hầm, hào ra đầu hàng hàng. Lúc này, khắp chiến trường rộn ràng trong tiếng reo, lá cờ Tổ quốc Quyết chiến Quyết thắng phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát giữa chiều hè tháng 5 lịch sử. Khi đang vui mừng chiến thắng, tại hầm tướng Đờ Cát, Đại tá Nguyễn Huyên hạnh phúc hơn khi may mắn gặp lại người bạn niên thiếu cùng quê của mình là anh Phạm Mạnh Lộc.

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Hồi ức trận mở màn lịch sử ảnh 4

Mô hình vườn rau thủy canh được gia đình Đại tá Huyên trồng cho học sinh, trường học trên địa bàn.

“Trong cả nghìn người mà chúng tôi vẫn gặp được nhau, khoảnh khắc ấy đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được. Chúng tôi chỉ gặp nhau được ít phút rồi theo đại đội rời khỏi mảnh đất Điện Biên. Với những người chiến sĩ như chúng tôi, mỗi trận đánh là một lần bước tới lằn ranh sinh tử, ở đó không có chỗ cho sợ hãi, mà chỉ có ý chí quyết thắng bất chấp gian khổ”, người cựu binh Điện Biên hồi tưởng.

Đại tá Huyên nói, ông có 40 năm tham gia quân đội, đã trải qua nhiều trận đánh, đã nếm đủ những cảm xúc của chiến tranh. Nhưng với ông, hồi ức về trận chiến ở chiến dịch Điện Biên Phủ đã in sâu trong cả cuộc đời.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông Huyên mới có dịp về quê nhà thăm mẹ, thăm người vợ của mình. Suốt những năm sau đó, ông tập trung cho sự nghiệp học tập.

Theo đó, từ năm 1954, ông kết nạp Đảng, sau đó tham gia học sĩ quan hậu cần. Đến 1958, ông học lên trường Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Nhờ những hoạt động xuất sắc, hai năm sau đó ông được cử đi Liên Xô tham gia học tại học viện quân sự. Đến năm 1966, ông về nước, chuyển sang làm tại Quân chủng Phòng không Không quân đến năm 1990 nghỉ hưu.

Sau khi rời quân ngũ, người cựu binh Điện Biên Nguyễn Huyên về quê sống cùng con cháu trong ngôi nhà cấp 4 bên triền đê La Giang. Ông sửa lại mảnh vườn rộng hơn 120m2 cùng con, cháu trồng rau thuỷ canh, cho các điểm trường, lớp học trên địa bàn.

“Vợ tôi là giáo viên, nguyện vọng có một vườn rau xanh. Vì thế tôi cùng con cháu cải tạo, làm mô hình rau thủy canh để phục vụ gia đình và cho thầy cô, trò ở các điểm trường trên địa bàn. Mô hình này được tôi và con cháu làm trong hơn 1 năm qua, với hy vọng sẽ đóng góp một phần việc nhỏ, cống hiến cho đời”, Đại tá Huyên cho biết.

MỚI - NÓNG