7 nền văn minh cổ đại bị lịch sử lãng quên

Vương quốc Silla có thời gian tồn tại gần 1000 năm, hay nền văn minh Bell–beaker được đặt tên theo cổ vật tìm thấy, là những nền văn hóa có rất ít tài liệu ghi chép lịch sử.
7 nền văn minh cổ đại bị lịch sử lãng quên ảnh 1

Vương quốc Silla (Tân La)

Đây là vương quốc thống trị hầu hết bán đảo Triều Tiên từ năm 57 trước Công Nguyên tới năm 935, nhưng hiện rất ít di tích còn sót lại.

Phải tới năm 2013, các nhà khảo cổ mới tìm được một bộ hài cốt còn nguyên vẹn của một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, gần cố đô của Silla - ngày nay là Gyeongju, thành phố duyên hải đông nam Hàn Quốc. Phân tích khung xương cho thấy dường như đây là một người ăn chay, với chế độ ăn nhiều gạo, khoai tây và lúa mì. Bà cũng có một hộp sọ dài.

Silla được vua Bak Hyeokgeose lập nên. Truyền thuyết kể rằng ông nở ra từ một quả trứng bí ẩn trong rừng và kết hôn với một nữ hoàng sinh ra từ xương sườn của một con rồng.

Theo thời gian, văn hóa Silla phát triển thành một xã hội tập trung phân cấp, với một tầng lớp quý tộc giàu có. Tuy dấu vết còn lại rất hiếm, các nhà khảo cổ đã khai quật được rất nhiều hàng hóa sang trọng được làm ra từ nền văn hóa này, từ những con dao bằng vàng và ngọc hồng lựu tới tượng Phật bằng gang và đồ trang sức, cùng nhiều thứ khác được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Gyeongju, Hàn Quốc.

Tượng đàn ông có dương vật lớn (trái) và phụ nữ đang sinh con (phải) của văn hóa Silla. Ảnh: Antiquealive

7 nền văn minh cổ đại bị lịch sử lãng quên ảnh 2

Tàn tích nền văn minh Indus. Ảnh: Suronin

Indus là nền văn minh địa phương cổ đại lớn nhất được biết tới nay, trải dài từ sông Indus, ngày nay là lãnh thổ Pakistan tới biển Arab và sông Hằng ở Ấn Độ. Nền văn minh này đã tồn tại hàng nghìn năm, từ khoảng năm 3300 trước Công Nguyên tới năm 1600.

Người Indus, còn được gọi là người Harappan, đã phát triển hệ thống cống và thoát nước cho thành phố của mình, xây các bức tường thành và kho thóc lớn, sản xuất đồ gốm và hạt xâu vòng trang sức.

Họ thậm chí còn biết chăm sóc răng miệng. Các nhà khoa học đã tìm thấy 11 chiếc răng hàm có dấu vết được khoan của người trưởng thành sống cách đây 7.500 đến 9.000 năm tại thung lũng Indus, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature năm 2006.

Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy rằng sự thay đổi khí hậu đã làm giảm các cơn mưa gió mùa và gây hạn hán tại nhiều vùng thuộc lãnh địa của người Harappan, buộc họ phải dần phân tán tới các nơi có khí hậu ẩm ướt hơn.

7 nền văn minh cổ đại bị lịch sử lãng quên ảnh 3

Mặt nạ của người Sanxingdui. Ảnh: Creative Commons

Sanxingdui là nền văn minh thuộc thời kỳ Đồ Đồng, phát triển ở nơi ngày nay là tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Vào năm 1929, một người nông dân Trung Quốc đã phát hiện thấy nhiều cổ vật ở vườn nhà mình thuộc về nền văn minh này. Các cuộc khai quật được triển khai sau đó vào năm 1986 đã tìm ra nhiều đồ điêu khắc từ ngọc thạch và đồng cao đến 2,4 mét.

Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được người Sanxingdui là ai, dù có các bằng chứng khảo cổ về nghệ thuật và văn hóa của họ. Họ là tác giả của nhiều mặt nạ mạ đồng và vàng lá, mà các nhà khảo cổ học tin rằng đó là hiện thân của các vị thần hoặc tổ tiên của họ, theo bảo tàng Sangxingdui ở Trung Quốc.

Có những bằng chứng khảo cổ cho thấy cách đây khoảng 2.800 đến 3.000 năm, người Sanxingdui đã rời bỏ vùng đất này và di cư đến thành phố cổ đại Jinsha gần đó.

Nguyên nhân có thể do một trận động đất và sạt lở lớn xảy ra đã chuyển hướng dòng sông Minjiang, làm khu vực này mất nước, buộc dân cư phải chuyển đi nơi khác, theo báo cáo của Liên minh Địa vật lý Mỹ năm 2014.

7 nền văn minh cổ đại bị lịch sử lãng quên ảnh 4

Tượng đất nung của văn hóa Nok. Ảnh: Wynne Parry

Đây là nền văn hóa bí ẩn, ít được biết đến, tồn tại khoảng năm 1000 trước Công Nguyên đến năm 300, tại miền Bắc Nigeria ngày nay.

Các bằng chứng của Nok được phát hiện một cách tình cờ nhờ hoạt động khai thác thiếc vào năm 1943, theo Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York.

Thợ mỏ phát hiện một cái đầu bằng đất nung, dấu hiệu của một nền điêu khắc phong phú. Sau đó, nhiều cổ vật đất nung khác cũng được phát hiện, gồm cả những tác phẩm mô tả con người đeo trang sức, mang theo gậy và vũ khí – những biểu tượng của quyền lực có thể thấy ở nghệ thuật Ai Cập cổ đại, theo Học viện nghệ thuật Minneapolis. Một số tác phẩm điêu khắc khác miêu tả bệnh tật của con người, như chứng phù voi.

Một số cổ vật bị đánh cắp trước khi giới khảo cổ kịp phân tích càng làm tăng tính bí ẩn cho nền văn minh này. Vào năm 2012, Mỹ trao trả những cổ vật thuộc văn hóa Nok cho Nigeria. Đây là những thứ bị đánh cắp từ Bảo tàng quốc gia Nigeria và bán sang Mỹ.

7 nền văn minh cổ đại bị lịch sử lãng quên ảnh 5

Một hầm mộ của người Entruscan. Ảnh: UNITO

Người Etruscan đã có một xã hội phát triển mạnh ở miền bắc Italy từ khoảng năm 700–500 trước Công Nguyên, thời điểm trước khi bị La Mã thôn tính. Họ để lại một hệ thống chữ viết độc đáo cùng các khu mộ gia đình sang trọng.

Xã hội Entruscan là một xã hội chính trị thần quyền, với những hiện vật cho thấy nghi lễ tôn giáo là một phần của cuộc sống hàng ngày. Mô tả cổ xưa nhất của việc sinh nở trong nghệ thuật phương Tây – một nữ thần ngồi xổm để sinh con – được tìm thấy tại khu bảo tồn Entruscans, Poggio Colla, gần thị trấn Vicchio, Italy. Cũng tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một phiến đá sa thạch kích thước 1,2 x 0,6 mét có khắc ngôn ngữ Entruscan.

Một khu vực khác của người Entruscan là Poggio Civitate. Đây là tổ hợp công trình hình vuông bao quanh một khoảng sân lộ thiên. Theo một nhà khảo cổ học đã nghiên cứu 25.000 cổ vật nơi đây, tòa nhà này được xem là công trình xây dựng lớn nhất Địa Trung Hải tại thời điểm đó.

7 nền văn minh cổ đại bị lịch sử lãng quên ảnh 6

Một tác phẩm nghệ thuật của vương quốc Punt. Ảnh: Wikipedia

Một số nền văn hóa được biết đến chủ yếu thông qua ghi chép từ các nền văn hóa khác. Đó là trường hợp của vùng đất Punt bí ẩn, một vương quốc nằm ở châu Phi và có giao thương với người Ai Cập.

Hai vương quốc trao đổi hàng hóa ít nhất tới thế kỷ 26 trước Công Nguyên, dưới thời trị vì của pharaoh Khufu (người xây dựng kim tự tháp Giza).

Điều kỳ lạ là không ai biết chính xác vương quốc này nằm ở đâu. Người Ai Cập còn rất nhiều mô tả về những hàng hóa họ nhận được từ Punt (vàng, gỗ mun, nhựa thơm) và những chuyến đi biển thám hiểm tới vương quốc này. Tuy nhiên, họ không có ghi chép nào về điểm đến của những chuyến hải hành này.

Nhiều học giả cho rằng, vương quốc Punt nằm đâu đó ở Arab, hoặc ở Đông Bắc Phi, hoặc cũng có thể ở hạ nguồn sông Nile, tại biên giới phía Nam Sudan và Ethiopia ngày nay.

7 nền văn minh cổ đại bị lịch sử lãng quên ảnh 7

Bình gốm của văn minh Bell–beaker. Ảnh: Creative Commons 

Nền văn minh này được đặt tên theo cổ vật tìm được. Cổ vật gồm nhiều bình gốm có hình dạng giống như quả chuông úp ngược (bell beaker nghĩa là bình hình chuông).

Cư dân thuộc nền văn minh này sống trên khắp châu Âu trong khoảng từ năm 2800 đến 1800 trước Công Nguyên. Ngoài bình gốm, họ còn để lại các hiện vật bằng đồng và những ngôi mộ, bao gồm một nghĩa trang gồm 154 ngôi mộ nằm tại khu vực thuộc Cộng hòa Czech ngày nay.

Đây cũng là những người xây dựng một phần công trình đá cự thạch Stonehenge tại xứ Wales, theo các nhà nghiên cứu. 

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG