Báo cáo trước Quốc hội chiều 16/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đã tiến hành thanh tra công vụ Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương. Qua thanh tra nhận thấy cơ quan này có 46 biên chế, trong đó có 44 cán bộ lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên, "sự thật đúng như báo chí đã nêu”.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, trên cơ sở đối chiếu quy định hiện hành, Sở Lao động Hải Dương thừa 8 nhân sự cấp phó phòng. Sau khi các cơ quan chức năng vào làm việc, có một trường hợp chuyển công tác về vị trí cũ và 7 người xin rút, không tiếp tục nhiệm vụ phó phòng.
Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Sở Lao động thực hiện đúng quy định về chức danh cán bộ cấp phòng, cụ thể Sở này có 9 phòng thì mỗi phòng không quá 3 lãnh đạo gồm trưởng và phó phòng. Đồng thời, khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, Sở Lao động Hải Dương phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, đúng quy trình; xử lý nghiêm những người tham mưu, đề nghị bổ nhiệm cán bộ quá số lượng quy định.
Trước đó trao đổi với phóng viên, ông Vũ Doãn Quang (Giám đốc Sở Lao động tỉnh Hải Dương) cho biết, Sở có 46 biên chế thì 44 người làm cán bộ quản lý cấp phòng trở lên, còn 2 nhân viên. Nhiều phòng, ban có 4, 5 phó phòng. Tiền trợ cấp chức vụ cho 44 lãnh đạo được cân đối từ nguồn ngân sách nhà nước do Tỉnh cấp về.
Cũng trong phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Phùng Đức Tiến về việc thi tuyển Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Tư pháp đã tổ chức thi tuyển chức danh này theo đề án thí điểm. Tuy nhiên, trong thời điểm Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển, Bộ Chính trị ra thông báo tạm dừng việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các địa phương và bộ ngành, chờ thông qua đề án về đổi mới phương pháp tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thông báo của Bộ Chính trị yêu cầu người thi tuyển phải là công chức, viên chức, trong khi người đăng ký thi tuyển khác với thông báo này, Bộ Tư pháp quyết định không bổ nhiệm Hiệu trưởng đại học Luật Hà Nội với ông Lê Đình Vinh - người đã trúng tuyển.