Ra đời bằng đóng góp của tuổi trẻ
Năm 1953, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đoàn Thanh niên Cứu quốc, tên khi đó của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày nay, quyết tâm ra một tờ báo thay thế những tờ báo tiền thân lúc đó đã không còn xuất bản. Và như thế, báo Tiền Phong ra đời tại Bản Dõn, xã Thanh La, châu Tự Do, nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Lam, lúc đó là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (sau này trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ). Đồng chí Nguyễn Lam cũng trực tiếp làm Chủ nhiệm chính trị, tức Tổng biên tập của báo. Tập thể báo chỉ có 6 thành viên, chủ trì trực tiếp là đồng chí Nguyễn Thanh Dương, người sau này trở thành Tổng Biên tập của báo.
Để có kinh phí ra báo, T.Ư Đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên cả nước lao động, sản xuất thêm để lấy tiền đóng góp. Số tiền góp về là khoảng 2 triệu đồng, giá trị rất lớn khi đó. Ngày 16/11/1953, báo Tiền Phong ra số đầu tiên. Và ngày 16/11, trở thành ngày truyền thống của báo Tiền Phong.
Ngay từ những ngày đầu gian khó ở chiến khu Việt Bắc, báo Tiền Phong đã cố gắng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo công tác của Đoàn Thanh niên đến với bạn đọc trẻ và quần chúng nhân dân; phản ánh cuộc chiến đấu, lao động, giới thiệu, cổ vũ những đoàn viên, thanh niên điển hình tiên tiến ở các vùng tự do cũng như địch tạm chiến. Một trong những gương đó là thanh niên nông dân tên Lục mà từ bài báo của Tiền Phong, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tìm hiểu và lấy là nguyên mẫu để viết nên tiểu thuyết Chuyện anh Lục (1955).
Sau ngày giải phóng năm 1954, cùng cả nước bước vào thời kì mới với 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là tờ báo của tuổi trẻ, Tiền Phong luôn định hướng dư luận, cổ vũ, vận động thanh niên tích cực lao động, sản xuất, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Tham gia tích cực các hoạt động và phong trào Cách mạng của Đoàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, báo Tiền Phong luôn ở tuyến đầu trong cuộc chiến đấu. Nhiều phóng viên Tiền Phong đã ra mặt trận. Một trong số đó là Sơn Tùng, người bị thương rất nặng ở mặt trận sau này vẫn lao động sáng tạo quên mình, trở thành tác giả của hàng chục cuốn sách hay về Bác Hồ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Tiền Phong đã tiếp sức cho tiếng nói của Đoàn, kêu gọi cổ vũ hàng triệu thanh niên hưởng ứng các phong trào lớn như: 5 Xung phong, 3 Sẵn sàng, Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Đi đầu trong Đổi Mới
Sau ngày đất nước thống nhất 30/04/1975, báo Tiền Phong tiếp tục bám sát nhiệm vụ, cổ vũ các phong trào thi đua lao động sôi nổi của tuổi trẻ và nhân dân cả nước trong việc khôi phục kinh tế, khắc phục khó khăn sau chiến tranh. Tiền Phong cũng là một trong những tờ báo đầu tiên chuyển sang chế độ tự hoạch toán kể từ cuối năm 1974, sớm tự chủ kinh phí, thoát sớm khỏi cơ chế bao cấp. Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ đường lối đổi mới, báo đã đi đầu trong việc đấu tranh, chống các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên thanh niên.
Hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động, những năm cuối 1980 đầu 1990, Tiền Phong do lần lượt các Tổng Biên tập Đinh Văn Nam và Dương Xuân Nam lãnh đạo đã đăng nhiều phóng sự, điều tra sắc bén, đi đến kết quả cuối cùng, gây chấn động dư luận với những cây bút tiên phong như Xuân Ba, Mạnh Việt…, đưa Tiền Phong thành một trong những tờ báo hàng đầu trong giai đoạn đó cả về số lượng bạn đọc (cao điểm lên tới 250.000 bản / số) lẫn uy tín chính trị.
Báo Tiền Phong đi đầu trong phát triển hệ thống, đa dạng hóa ấn phẩm. Từ một tờ báo ra hàng tuần, Tiền Phong đã trở thành cơ quan báo có nhiều loại hình ấn phẩm cả báo và tạp chí có uy tín cao, với 6 ấn phẩm phát hành rộng rãi trong cả nước và phục vụ cho người Việt ở nước ngoài: Tiền Phong hàng ngày, Tiền Phong chủ nhật, Tiền Phong cuối tháng, các chuyên san Người đẹp và Tri thức trẻ. Trong một giai đoạn ngắn, báo còn phát hành thêm các ấn phẩm chuyên đề: Lửa ấm, Nam châm dành cho các đối tượng bạn đọc khác nhau. Từ năm 2005, báo Tiền Phong điện tử ra đời giúp Tiền Phong trở thành báo cập nhật thông tin đến từng phút, từng giờ.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông và sự thay đổi chóng mặt của thói quen đọc của độc giả, cũng như những cơ quan báo chí khác lấy báo in làm nền tảng, báo Tiền Phong gặp nhiều khó khăn trong duy trì số lượng ấn phẩm và bản in. Các ấn phẩm chuyên đề, tạp chí lần lượt mất sức sống và ngừng ra, số lượng báo in hằng ngày giảm sút. Tiền Phong phải tìm cách đi mới để thích nghi với thay đổi. Báo in Tiền Phong chuyển hướng mạnh từ thông tin nhanh nhạy sang làm các chuyên đề chuyên sâu, phân tích, đánh giá đa chiều các sự kiện, vấn đề. Chức năng làm báo nhanh nhạy chuyển sang báo điện tử với nhiều hình thức thông tin phong phú. Báo tích cực ra các số đặc biệt vào các dịp lễ hoặc các ngày đặc biệt trong năm. Hiện báo có 3 ấn phẩm chính là nhật báo Tiền Phong, Tiền Phong điện tử (TPO) và ấn phẩm chuyên đề Tiền Phong - Dân tộc và Miền núi.
Báo cũng tích cực tìm các giải pháp cho phát triển kinh tế báo chí, tăng cường quảng cáo - hợp tác truyền thông, nâng cấp các sự kiện do báo tổ chức để tăng sức thu hút, quảng bá và tăng thu…
Từ các giải pháp tổng hợp, trong khó khăn, báo Tiền Phong vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, có lãi; thu nhập của người lao động được duy trì, thậm chí còn nâng lên được một bước cho bộ phận sản xuất nội dung.
Tuy nhiên, báo điện tử Tiền Phong hiện chỉ là một tờ báo trung bình, có dấu hiệu tụt hậu, cần phải nỗ lực rất nhiều trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu mới.
Xác định cơ quan báo chí cũng phải là cơ quan tổ chức các hành động cách mạng, báo Tiền Phong đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống, thiện nguyện vì cộng đồng. Báo tổ chức thường niên nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ, cựu Thanh niên Xung phong; vận động các nguồn lực xã hội để trao tặng nhà tình nghĩa, xây sửa trường học, cấp nhiều loại sổ tiết kiệm tình nghĩa, trong đó có sổ đầu tiên trong cả nước cho nữ Anh hùng Quân đội Nguyễn Thị Chiên từ năm 1988; Cấp học bổng cho học sinh, sinh viên; quà cho các hộ nghèo và đồng bào bị thiên tai… Giai đoạn cuối đây, tổng số tiền trao tới các đối tượng thụ hưởng lên tới hàng chục tỷ đồng hằng năm.
Từ năm 2009, báo bắt đầu tổ chức và duy trì thường niên Chủ nhật đỏ - Ngày hội hiến máu tình nguyện thường niên nhằm giải quyết thực trạng thiếu máu điều trị trầm trọng trong các bệnh viện dịp Tết cổ truyền. Đến lần tổ chức thứ 9, năm 2017, Chủ Nhật Đỏ đã mở rộng đến 25 tỉnh thành phố, tiếp nhận được 32.000 đơn vị máu, góp phần quyết định giải quyết xong vấn đề thiếu máu điều trị vào dịp Tết trong cả nước. Đến lần thứ 10, năm 2018, Chủ Nhật Đỏ đã mở rộng đến hơn 30 tỉnh thành phố, tiếp nhận được gần 48.000 đơn vị máu.
Từ cuối năm 2013, báo Tiền Phong được T.Ư Đoàn giao điều hành Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam. Báo đã cùng Quỹ nỗ lực làm tốt hơn các động đã có như giúp T.Ư Đoàn bình chọn và tuyên dương các Gương mặt trẻ VN tiêu biểu hằng năm, mở ra nhiều hoạt động mới như trao học bổng Nâng bước thủ khoa (quy mô hàng tỷ đồng mỗi năm); Từ năm 2018, thưởng cho tất cả học sinh đoạt huy chương trong các cuộc thi học sinh giỏi Olympic quốc tế hoặc châu lục, tất cả các VĐV trong độ tuổi thanh niên đoạt huy chương các loại trong ASIAD vừa qua... Từ năm 2017, Báo và Quỹ tổ chức Giải Tiền Phong Golf Championship để quảng bá và gây quỹ cho “Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam”.
Trong lĩnh vực thể thao, báo Tiền Phong đưa ra sáng kiến và là nhà tổ chức những giải đấu thường niên đã có lịch sử tổ chức lâu đời và được đưa vào hệ thống thi đấu thể thao quốc gia như: Giải việt dã Báo Tiền Phong với 59 kỳ tổ chức; Siêu Cúp Bóng đá Quốc gia với 19 kỳ tổ chức.
Trong đời sống văn hóa, Hoa hậu Việt Nam, cuộc thi nhan sắc uy tín, quy mô cấp quốc gia do báo Tiền Phong khởi xướng và bắt đầu tổ chức từ năm 1988, cũng đã có lịch sử 30 năm tổ chức thành công với 16 cuộc thi, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ và văn hóa Việt Nam.
Tiền Phong cũng là tờ báo đi đầu trong việc lập doanh nghiệp để đóng góp thêm cho xã hội và tăng cường kinh tế báo chí với việc thành lập Cty CP Tiền Phong từ năm 1999, thiết lập hệ thống Nhà sách Tiền Phong nhằm đưa thêm sách, tri thức và văn hóa phẩm đến với bạn trẻ và nhân dân. Năm 2018, công ty Cổ phần Tiền Phong mở thêm Nhà sách Tiền Phong tại Thái Nguyên, nâng số nhà sách Tiền Phong lên con số 9.
Suốt 65 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu của nhiều thế hệ nhà báo, đội ngũ người làm báo của báo Tiền Phong với tinh thần tiên phong, ý thức bổn phận sâu sắc đã luôn sống hết mình vì nghề để mang đến những thông tin cần thiết và giá trị tinh thần cao cho bạn đọc. Tiền Phong đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Đoàn Thanh niên giao phó.
Các thế hệ người làm báo Tiền Phong xây đắp lên truyền thống quý báu, viết nên trang sử vẻ vang của một tờ báo chính trị-xã hội có uy tín, xứng đáng với niềm tin yêu của thanh niên và bạn đọc rộng rãi, xứng đáng là một tờ báo trong hàng ngũ tiên phong của báo chí Cách mạng Việt Nam, xứng đáng là Cơ quan T.Ư của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ngoài trụ sở chính ở 15 Hồ Xuân Hương, báo Tiền Phong có 5 văn phòng đại diện tại: TP Hồ Chí Minh; Miền Trung (đặt tại Đà Nẵng); Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột); Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ); Bắc Miền Trung (Vinh) và nhiều phóng viên thường trú, cộng tác viên tại các tỉnh, thành trong cả nước. Báo Tiền Phong cũng có một số cộng tác viên tại nhiều nước trên thế giới. Nhân lực của báo khoảng 100 cán bộ, phóng viên, nhân viên.
Trước đây, Tiền Phong đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì (2 lần), Ba. (Ngày 15/11/2018, Chủ tịch Nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba (lần thứ hai) cho báo Tiền Phong.