1. Thiếu nước
Cơ thể rất hay nhầm lẫn tín hiệu giữa đói và khát. Đôi lúc, bạn thèm ăn chỉ vì cơ thể đang thiếu nước chứ không hẳn do đói. Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ khuyên rằng, bạn nên khởi đầu ngày mới bằng một cốc nước ấm và uống đủ 8 cốc nước trong suốt cả ngày. Khi cảm thấy đói, hãy uống một ly nước, khoảng 15 - 20 phút sau, bạn sẽ thấy cơn đói giảm đi đáng kể.
2. Thiếu ngủ
Ngủ quá ít có thể dẫn đến tăng nồng độ ghrelin (một loại hormone kích thích sự thèm ăn) và giảm nồng độ của leptin (loại hormone gây cảm giác đầy bụng). Ngủ đủ giấc (khoảng 7 - 8 giờ mỗi đêm) sẽ giúp hạn chế cảm giác thèm ăn và cơ thể cũng khỏe khoắn hơn.
3. Bị stress
Cảm giác đói còn là hậu quả của sự buồn chán, lo âu hay stress. Đây là một phản ứng hóa học bình thường diễn ra trong cơ thể. Khi bạn đang trong tâm trạng bất ổn, não bộ không thể nhận biết được bạn đã no bụng hay chưa. Vì lý do đó mà một số người có xu hướng ăn nhiều hơn khi bị stress.
4. Không ăn đủ chất béo và protein lành mạnh
Nếu chế độ ăn kiêng của bạn cắt giảm hoàn toàn chất béo và các protein lành mạnh thì chắc chắn bạn sẽ không thể giảm cân bền vững và thường xuyên trong trạng thái đói lả. Hãy thêm protein và chất béo lành mạnh vào chế độ ăn uống để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, kéo dài cảm giác no. Đây mới là cách ăn kiêng lành mạnh và khoa học.
5. Ăn vặt tại nơi làm việc
Ảnh minh họa.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food & Nutrition chỉ ra rằng khối lượng công việc nhiều có thể khiến phụ nữ hay ăn vặt tại nơi làm việc mà vẫn cảm thấy đói. Dù bạn ăn kiêng trong cả ba bữa chính nhưng vẫn ăn vặt thường xuyên với các món ăn nhiều đường và tinh bột thì chắc chắn không thể giảm được cân.
6. Bỏ qua bữa ăn sáng
Bữa ăn sáng rất cần thiết, giúp lượng đường trong máu ổn định và giảm cảm giác thèm ăn. Những người chỉ uống cà phê cho bữa sáng có thể tập ăn sáng bằng cách ăn thêm một mẩu bánh hoặc uống ngũ cốc pha sữa. Khoảng 1 - 2 giờ sau, nên ăn thêm một nắm đậu phộng rang cùng một trái chuối.