Người dân Mỹ không trực tiếp bầu chọn tổng thống, thay vào đó là một Cử tri đoàn gồm các đại cử tri bỏ phiếu. Ứng viên muốn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng phải nhận được quá bán số phiếu ủng hộ từ Cử tri Đoàn.
Hiến pháp Mỹ có rất ít điều khoản quy định các tiêu chuẩn cụ thể để trở thành đại cử tri, chỉ nêu rằng nghị sĩ hoặc một quan chức chính phủ liên bang không thể được chỉ định làm đại cử tri, theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Mỹ.
Xuất phát từ yếu tố lịch sử, Tu chính án hiến pháp Mỹ số 14 quy định các viên chức nhà nước tham gia nổi dậy hoặc bạo loạn chống chính phủ Mỹ, hoặc hỗ trợ, giúp sức cho kẻ thù, không được phép trở thành đại cử tri.
Mỗi bang có số lượng đại cử tri (elector) nhất định hợp thành Cử tri đoàn (Electoral College) dựa trên quy mô dân số của bang đó. Mỹ có tổng cộng 538 đại cử tri, bằng số ghế trong quốc hội Mỹ.
Cách chọn lựa
Quy trình chọn đại cử tri gồm hai vòng. Đầu tiên, các đảng ở mỗi bang sẽ chọn một loạt ứng viên đại cử tri tiềm năng trước ngày bầu cử. Tiếp đó, vào ngày bầu cử, cử tri phổ thông tại mỗi bang sẽ chọn ra đại cử tri ở bang đó bằng cách bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống.
Ở giai đoạn đầu, các đảng chính trị ở mỗi bang sẽ kiểm soát quá trình lựa chọn và mỗi bang có một quy định khác nhau. Về cơ bản, các đảng sẽ đề cử một danh sách đại cử tri tiềm năng tại kỳ họp đại hội đảng của bang mình hoặc họ có thể chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban trung ương đảng.
Quá trình này diễn ra ở từng bang và tuân theo quy định của bang đó, nhưng cũng có thể theo quy định chung cho toàn quốc của đảng đó. Kết quả cuối cùng là mỗi ứng viên tổng thống sẽ có một danh sách các đại cử tri tiềm năng ủng hộ mình.
Các đảng chính trị thường chọn những người cống hiến tận tụy cho đảng để làm đại cử tri. Đó có thể là các quan chức dân cử của bang, lãnh đạo đảng tại bang đó, hoặc người có mối quan hệ chính trị hoặc cá nhân với ứng viên tổng thống của đảng mình.
Giai đoạn thứ hai của quá trình bầu đại cử tri diễn ra trong ngày bầu cử. Khi mỗi cử tri ở từng bang đi bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống họ ủng hộ, họ đồng thời cũng chọn ra các đại cử tri cho bang mình. Tên của đại cử tri tiềm năng có thể có hoặc không xuất hiện trên lá phiếu, (nếu có thì tên họ sẽ nằm dưới tên ứng viên tổng thống), tùy thuộc vào quy trình bầu cử và phương thức bỏ phiếu ở từng bang.
Tất cả đại cử tri tiềm năng của ứng viên tổng thống thắng cuộc sẽ trở thành đại cử tri ở bang mình, ngoại trừ hai bang Nebraska và Maine. Hai bang này phân bổ đại cử tri theo tỷ lệ, ứng viên chiến thắng toàn bang nhận được hai đại cử tri trong khi người chiến thắng tại từng hạt bầu cử (có thể là người chiến thắng toàn bang, cũng có thể là ứng viên khác) sẽ nhận được một đại cử tri. Hệ thống này cho phép các đại cử tri tại Maine và Nebraska có thể được phân bổ cho nhiều hơn một ứng viên tổng thống.
Lá phiếu
Không có quy định nào trong hiến pháp hay luật liên bang Mỹ bắt buộc các đại cử tri phải bầu theo kết quả bỏ phiếu phổ thông của bang mình đại diện. Dù vậy, một số bang vẫn yêu cầu việc này. Những cam kết như vậy có thể chia thành hai nhóm: đại cử tri bị ràng buộc bởi luật của bang và đại cử tri bị ràng buộc bởi cam kết với đảng của mình.
Tòa án Tối cao Mỹ khẳng định hiến pháp không yêu cầu phải cho các đại cử tri được toàn quyền quyết định bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống nào, nên một số đảng có thể buộc họ cam kết bỏ phiếu cho ứng viên do đảng mình đề cử. Một số bang thì quy định các "đại cử tri không trung thành" có thể bị phạt hoặc tước quyền bầu cử nếu bỏ phiếu không hợp lệ và sẽ bị thay thế bởi một đại cử tri "dự bị". Dù vậy, chưa từng có đại cử tri nào bị khởi tố vì không bỏ phiếu như cam kết.
Ngày nay, hiếm có đại cử tri nào đi ngược lại kết quả bỏ phiếu phổ thông. Theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Mỹ, trong lịch sử nước Mỹ, hơn 99% đại cử tri bỏ phiếu đúng như những gì họ cam kết.