50 năm 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Đối mặt với pháo đài bay

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiếc MIG-21 bé nhỏ cùng với Anh hùng Phạm Tuân đã khiến “B52 - pháo đài bay bất khả xâm phạm”, niềm tự hào của không quân Mỹ cháy thành tro. Hơn 30 chiếc B52 bị bắn rơi cùng hàng chục tiêm kích các loại bị phá huỷ khiến tuyên bố hùng hổ “Đưa miền Bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá” của nhà cầm quyền Mỹ lúc đó thành chuyện hoang đường. Quân Mỹ phải cuốn cờ về nước sau Hiệp định Paris.

Trên lằn ranh sinh tử

Trong những năm 1972, các trận chiến đấu ban ngày diễn ra ác liệt, nhất là vào giai đoạn từ tháng 4-5/1972. Địch đã thay đổi cách đánh cả trên không và mặt đất, cải tiến, đưa vào sử dụng nhiều vũ khí mới. Chúng tập trung lực lượng tiêm kích đánh với không quân ta, kể cả đánh vào các sân bay.

Đội bay của Phạm Tuân chiến đấu đến năm 1973, sau đó được giữ ở lại bảo vệ Hà Nội. Năm 1977, ông trở lại Liên Xô đi học. Năm 1979, ông đi học về tàu vũ trụ rồi năm 1980 ông bay vào vụ trụ và năm 1982 về Việt Nam. Năm 2008, ông nghỉ hưu. Ông là người duy nhất của Việt Nam 3 lần được phong Anh hùng, là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Với gốc nông dân, hàng ngày ông làm bạn với chim, với cây, câu cá, gặp gỡ hội phi công và bạn chiến đấu, vui vẻ với anh em đồng chí, đồng đội.

Anh hùng Phạm Tuân kể, trước khi B-52 đánh ra Hà Nội, Mỹ đã đưa máy bay này đi đánh thăm dò. Tháng 5/1972, B-52, địch đánh ở 3 nơi: 10/5 đánh ở Vinh; đêm 13/5 đánh ở Thanh Hóa và đêm 15 rạng sáng ngày 16/5 đánh ở Hải Phòng. Đặc biệt, trận đánh ở Hải Phòng có 12 chiếc B-52 tham gia. Lực lượng phòng không của ta bắn hàng trăm quả tên lửa nhưng không rơi tại chỗ chiếc nào. Khi đó, B-52 từ biển bay vào và rút ra rất nhanh nên ta không có điều kiện dẫn dắt máy bay ra đánh. Ta nhận định, địch đánh cách đó là để thăm dò radar, không quân và tên lửa của ta. Vì thế, sau trận đánh ở Hải Phòng, toàn quân chủng, lực lượng phòng không, không quân tập trung nghiên cứu làm cách nào để đánh B-52. Nhờ trận đánh đó, Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ đạo: Tìm mọi phương án để đánh B-52. Sau đó, chúng ta đã tập trung nghiên cứu cách đánh B-52 và đến tháng 9 năm đó đã có sách đỏ về cách đánh B-52 để phổ biến đến tất cả các đơn vị.

Trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52 (riêng Hà Nội bắn rơi 25 chiếc B-52), 5 máy bay F-111, 42 máy bay chiến thuật các loại; tiêu diệt và bắt sống gần 100 phi công.

Rồi ngày mà ta dự đoán đã đến. Mỹ mở chiến dịch Linebacker-2, dùng B-52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác nhằm làm nhụt ý chí của ta. Khi địch vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), Khu 4, Hải Phòng cùng với việc nghiên cứu các dải nhiễu bắt được, bộ đội ta phân tích phát hiện ra, trong đó đâu là trung tâm phát ra nhiễu, bắn vào chỗ nào. Tướng Phạm Tuân nhớ lại: “Ngày hôm đó, trong khói lửa nghi ngút của đạn bom địch, dưới các làn đạn cao xạ, máy bay của tôi vút lên hướng về phía B-52. Đến Hòa Bình, tôi gặp tốp đầu tiên nhưng do chưa có kinh nghiệm, tôi bật radar, tăng lực lao vào đội hình địch. Bị phát hiện, B-52 tắt đèn bỏ chạy, các máy bay F-4 lao vào, tôi phải cơ động tránh sự công kích, gần hết nhiên liệu tôi quay về hạ cánh. Nhưng lúc đó, sân bay vừa bị đánh, đèn đường băng không còn nguyên vẹn, đài chỉ huy không làm việc. Sở Chỉ huy thông báo cho tôi bay chờ tìm sân nào tốt hơn để hạ cánh. Bay quanh Hà Nội lúc đó nguy hiểm vô cùng, đạn cao xạ các loại luôn bủa vây và nhiên liệu gần cạn. Tôi quyết định hạ cánh bằng đèn pha của máy bay. Vừa tiếp đất, máy bay rơi vào hố bom rồi nhảy lên. Tôi tăm tối mặt mũi nhưng vẫn kịp tắt động cơ, thả dù giảm tốc”.

50 năm 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Đối mặt với pháo đài bay ảnh 1

Anh hùng Phạm Tuân mô phỏng các động tác nhào lộn của máy bay chiến đấu

Ba yếu tố đánh được B52

Những ngày đầu ác liệt ấy, không quân ta đêm nào cũng cất cánh, tuy không tiêu diệt được B-52 nhưng mỗi khi MIG xuất hiện, B-52 bay giãn ra, hệ thống nhiễu của chúng cũng giảm tác dụng tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa chiến đấu.

Anh hùng Phạm Tuân kể: “Lý do cả tuần đầu chúng ta không đánh được vì dải nhiễu B-52 tạo ra rất khó để tiếp cận. Sau một vài trận, phi công ta phát hiện B-52 thường đi theo đội 3 chiếc và sẽ bật đèn hiệu. Chiếc thứ 1 bật đèn, chiếc thứ 2 nhìn để bay theo; rồi chiếc thứ 2 bật đèn chiếc thứ 3 nhìn để bay theo. Lúc đó, phi công ta không bật radar nữa mà đánh bằng đèn. Ngoài ra, qua nghiên cứu, chiếc B-52 có dải nhiễu về phía trước rất mạnh nhưng hai bên sườn thì hạn chế (chỉ bằng 50% ở trước) và thấp nhất ở phía sau (chỉ đạt 25%). Lúc đó, phi công ta được dẫn bay vòng qua sau đuôi B-52 để áp sát”.

50 năm 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Đối mặt với pháo đài bay ảnh 2

Xác máy bay B-52 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Vì thế, sau ngày 25/12, chúng ta điều một đại đội radar vào Thọ Xuân (Thanh Hóa) thành lập sở chỉ huy, đưa sỹ quan dẫn đường lên Mộc Châu và thành lập 1 sở chỉ huy đó. B-52 bay qua phía tây Thanh Hóa thì radar của ta đã phát hiện, từ đó dẫn được không quân xuất kích từ một sân bay dã chiến khác vào đánh.

“Thứ nhất, phải đưa radar ra ngoài để nhiễu ít hơn. Thứ hai, đưa không quân bí mật xuất kích ở sân bay dã chiến, sân bay dự bị để radar máy bay của địch không phát hiện được. Thứ ba, phi công tăng tốc độ, độ cao sớm để chớp thời cơ bắn sớm; đồng thời không dùng radar, chỉ dùng radar mặt đất để dẫn, phi công chiến đấu bằng mắt, thông qua nhận diện đèn. Đó là ba yếu tố để chiến thắng. Kinh nghiệm này được rút ra sau một tuần chiến đấu”, Anh hùng Phạm Tuân nói.

Rồi ông kể tiếp: “Tối 27/12, tôi cất cánh đúng phương án, gặp F-4 bên phải, bên trái nhưng tránh đi không bắn. Lúc đó, tốc độ bay của tôi khoảng 1.500km/h nên F-4 hộ tống không kịp phản ứng. Khi gặp B-52 rồi tôi không để ý đến F-4 nữa. Radar mặt đất dẫn tôi áp sát sau đuôi B-52 khoảng 10km. Tôi tắt radar để B-52 không phát hiện ra. Dưới mặt đất có tín hiệu ra lệnh bắn, nhưng để ăn chắc, tôi tiến đến cách khoảng 3km mới nhấn nút. Hai quả tên lửa phóng tới, B-52 nổ bùng sáng rực trước mặt.

“Lúc đó, bắn xong, thấy điểm nổ, thực sự rất mừng. Tôi kéo máy bay bổ nhào xuống nhưng ngước lên bên phải, bên trái đều có địch cả. Lúc đó, tôi chỉ báo về, địch vẫn còn đang đuổi theo. Ngay đêm hôm đó, đội bay được tập hợp rút kinh nghiệm và thông báo đi các sở chỉ huy, sân bay khác để phổ biến cách đánh. Trận hôm sau, anh Vũ Xuân Thiều cũng đánh như vậy. B-52 bị bắn cháy nhưng anh Thiều ở khoảng cách gần nên anh đã sẵn sàng làm quả tên lửa thứ 3 tiêu diệt kẻ thù”, nói đến đây, tướng Phạm Tuân nghẹn giọng, rưng rưng.

MỚI - NÓNG