Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, từ khi bắt đầu thu phí đến nay (từ 6/2 – 26/2), lượng hành khách đi lại trên tuyến vẫn đạt hơn 90% so với thời gian miễn phí. Trong đó, lượng hành khách sử dụng vé tháng để đi lại thường xuyên trên tuyến chiếm 50%.
Cụ thể, tuyến buýt nhanh BRT đã vận chuyển 229.573 hành khách (trung bình mỗi ngày vận chuyển 13.504 lượt khách, ngày cao nhất vận chuyển 15.410 hành khách). Bình quân mỗi nhà chờ phục vụ 538 hành khách/ngày
Theo đánh giá của Sở GTVT Hà Nội, tuyến BRT đi vào hoạt động đã vận hành đúng phương án bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn, thu hút được hành khách sử dụng dịch vụ và bước đầu đã mang lại những hiệu quả rõ rệt.
Dịch vụ BRT được duy trì ổn định, tin cậy đã tạo ra sự khác biệt rõ rệt so với buýt thường: tốc độ xe chạy trung bình gần 20km/giờ (tăng 20% so với buýt thường); thời gian xe chạy trung bình là 45 phút/lượt (giảm gần 20% so với xe buýt thường).
Vận tốc xe chạy ổn định, đúng kế hoạch do được hoạt động trong làn đường dành riêng ít bị tác động bởi tình trạng ùn tắc giao thông; lượt xe xuất bến đúng giờ đạt tỷ lệ 97,7%; lượt xe thực hiện đạt tỷ lệ cao...
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, ghi nhận trong gần 1 tháng thu phí, lượng hành khách đi lại thường xuyên tăng nhiều hơn. Tỉ lệ vé tháng cao lên đáng kể, xấp xỉ với vé ngày.
Theo dự đoán, sản lượng của BRT vẫn còn có thể cán mốc cao hơn. Bên cạnh đó, hiện tượng ùn tắc trên tuyến đã giảm đáng kể, ý thức tham gia giao thông của người dân tăng lên.
“Về tuyến BRT thứ 2 Kim Mã – Láng Hòa Lạc dài hơn 35 km, Sở GTVT đã khảo sát xong và đang trình thành phố”, ông Hải nói.
Trước đó, trong buổi giao ban báo chí của Thành ủy, chiều 21/2, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng kế hoạch phát triển 14 tuyến bus, trong đó có 1 tuyến bus nhanh BRT từ Kim Mã đến khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự kiến sẽ được triển khai chậm nhất là trong quý 2/2017.