Theo Daily Mail, các nhà khoa học lo sợ sự kiện tuyệt chủng lần thứ 6 có thể xảy ra khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên tồi tệ hơn và không được ngăn chặn kịp thời.
Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt nổi tiếng nhất trên Trái đất liên quan đến một tiểu hành tinh khổng lồ đâm vào hành tinh của chúng ta và quét sạch loài khủng long cách đây 66 triệu năm.
Nhưng mặc dù sự kiện này vô cùng khủng khiếp, xóa sổ khoảng 76% số loài trên thế giới, thì thực tế, nó chưa tàn khốc bằng 2 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt khác.
Tổng cộng có 5 sự kiện suốt lịch sử 4,5 tỷ năm của hành tinh chúng ta. Chúng bao gồm: Một là sự kiện tuyệt chủng Ordovic-Silurian xảy ra 444 triệu năm trước giết chết ước tính 85% tất cả các loài trên Trái đất.
Sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn trắng-Paleogen - 66 triệu năm khiến khủng long bị xóa sổ trên Trái đất. |
Hai là sự kiện tuyệt chủng Devon muộn xảy ra cách đây 383-359 triệu năm, khiến 75% các loài trên Trái đất biến mất trong khoảng thời gian 20 triệu năm.
Ba là sự kiện tuyệt chủng kỷ Permi-Trias - 252 triệu năm trước, chứng kiến 97% các loài bị xóa sổ vĩnh viễn. Đây được gọi là sự kiện "đại diệt vong" - là sự kiện lớn nhất mà Trái đất phải đối mặt và là sự kiện ảnh hưởng sâu sắc nhất đến hệ sinh thái của hành tinh chúng ta. Tất cả sự sống trên Trái đất ngày nay có nguồn gốc từ khoảng 10% động - thực vật và vi sinh vật sống sót sau cuộc đại tuyệt chủng kỷ Permi-Trias này.
Bốn là sự kiện tuyệt chủng kỷ Jura - 201 triệu năm trước, khiến khoảng 80% tất cả các loài sinh vật sống ở biển và đất liền bị xóa sổ.
Năm là sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn trắng-Paleogen - 66 triệu năm trước khi tiểu hành tinh Chicxulub đâm vào Trái đất gây ra một trận sóng thần và cháy rừng khổng lồ. Khói bụi và các mảnh vỡ bắn lên bầu khí quyển dẫn đến sự nguội lạnh toàn cầu và khiến các hệ sinh thái gần như sụp đổ ngay lập tức. Sự kiện này đã khiến khoảng 76% số loài trên thế giới bị xóa sổ.
5 sự kiện tuyệt chủng đã diễn ra hàng triệu năm trước, nhưng giờ đây các nhà khoa học cảnh báo rằng, sự kiện tuyệt chủng thứ 6 có thể đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta.
Mối đe dọa tuyệt chủng lần thứ 6 không đến từ một tiểu hành tinh khổng lồ lao về phía chúng ta từ bên ngoài không gian.
Nó cũng không liên quan đến các mảng kiến tạo của Trái đất "cử động" gây ra một vụ phun trào núi lửa khổng lồ hoặc thảm họa sóng thần.
Vấn đề nằm ở chính chúng ta.
Các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo rằng lũ lụt, hạn hán và cháy rừng do biến đổi khí hậu có thể gây ra nhiều thiệt hại cho hành tinh của chúng ta nặng nề tương tự như một vụ va chạm của tiểu hành tinh hoặc một vụ phun trào núi lửa khổng lồ.
Trái đất hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, bắt nguồn từ cuộc cách mạng công nghiệp, các hoạt động khai thác quá mức của con người như phá rừng, săn bắn và đánh bắt thủy hải sản...
Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái cho thấy chỉ riêng việc khai thác gỗ và săn trộm đã đẩy 500 loài động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư đến bờ vực tuyệt chủng.
Sự lây lan của các loài xâm lấn và bệnh tật từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã của con người, cũng như ô nhiễm và biến đổi khí hậu do con người gây ra cũng là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với hành tinh của chúng ta.
Con người được cho là đang đối mặt với sự kiện tuyệt chủng lần thứ 6. |
Giáo sư Gerardo Ceballos thuộc Đại học Quốc gia Mexico ở thành phố Mexico cảnh báo, đã có nhiều bằng chứng cho thấy thế giới đang trải qua một cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6.
"Hiện có rất nhiều báo cáo và các nghiên cứu khoa học cho rằng các quần thể sinh vật trên Trái đất đang đứng trước một cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6", ông Ceballos nhấn mạnh.
Vị giáo sư cũng cho biết, nguy cơ tuyệt chủng tồi tệ đến mức "bất cứ điều gì chúng ta làm trong 10-50 năm tới sẽ xác định tương lai của nhân loại".
Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ tuyệt chủng đang ở mức đáng báo động, số loài mất đi hiện đang cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi loài khủng long bị xóa sổ.
Theo họ, nếu tốc độ tuyệt chủng hiện tại tiếp diễn như trên, chúng ta có thể phải chứng kiến sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trong khoảng 240 đến 540 năm tới.