Thứ trưởng Lê Quân đánh giá, đất nước đang trong giai đoạn phát triển, với 30 năm đổi mới, nhưng giáo dục nói chung, hay giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng vẫn là điểm cần đột phá để đất nước tiến lên.
Hiện Việt Nam có 55 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 24% lao động qua đào tạo. Trong giai đoạn đổi mới, các DN, đặc biệt DN FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) chủ yếu sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Tuy nhiên, khi dần trải qua giai đoạn đang phát triển, yêu cầu nhân lực phải đi trước để chuẩn bị cho quá trình phát triển sau đó. Tuy nhiên, để chất lượng nhận lực đi trước không dễ. Trong đó, vai trò DN rất quan trọng.
Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế, nhu cầu lao động có kỹ năng ngày càng nhiều, nhưng khó tuyển. Điều này do tâm lý xã hội, khi người dân vẫn chú trọng cho con em mình vào đại học.
Trong khi đó, vài năm trở về trước, các cơ sở GDNN chưa chủ động chuyển đổi, nặng về hàn lâm, dạy lý thuyết, đào tạo gắn với thị trường và việc làm ngay khi ra trường chưa nhiều. Hoặc học cao đẳng là đường đi vòng để vào đài học.
Tuy nhiên, theo ông Quân, những thực tế trên đang dần thay đổi, khi nhận thức đã dần thay đổi, GDNN là con đường nhanh nhất tham gia thị trường lao động với thu nhập tốt, nên số lượng học nghề ngày càng tăng. GDNN cũng không chỉ nhằm tới học sinh tốt nghiệp THCS, THPT, còn hướng tới hàng chục triệu lao động phải chuyển đổi trong bối cảnh cách mạng 4.0; đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn…
“Để làm thay đổi GDNN, giúp cung ứng được nhanh và nhiều nhất lao động có kỹ năng cao cho xã hội, chỉ có tăng cường hợp tác nhà trường – DN. Chỉ khi trường nghề hợp tác với DN mới giải quyết được bài toán chất lượng tay nghề người học, đào tạo nghề đúng nhu cầu xã hội, học xong có việc làm. Còn DN phải liên kết với trường nghề mới có được nguồn lao động nhanh nhất, qua đào tạo và không phải đào tạo lại. Hợp tác đó cũng giúp tránh lãng phí cho xã hội, khi sinh viên tốn tiền học, khi ra trường đi làm DN vẫn phải chi tiền đào tạo lại”, ông Quân nói.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, hợp tác trường nghề - DN phải ngay từ khâu xác định nhu cầu đào tạo, chương trình đào tạo, tuyển sinh, quá trình đào tạo kết hợp thực hành tại DN, và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. Khi đó DN sẽ có nhân lực tốt, trường nghề có khả năng thu hút người học.
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã có thông tư cho phép DN tham gia đào tạo tới 40% chương trình đào tạo nghề, cắt giảm hết các thủ tục cấp phép cho DN tham gia đào tạo, cấp chứng chỉ. Bộ cũng đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về sự tham gia của DN vào dạy nghề.
“Giai đoạn 5 năm tới sẽ là thời gian bứt phá giữa hợp tác trường nghề và DN, khi 2 bên đều có động lực và áp sự, nên sẽ thành công hơn”, Thứ trưởng Lê Quân nhận định.