5 năm 'sát hạch' dự án thoát hơn 550 triệu đô: Tiền 'trôi', nước ngập

0:00 / 0:00
0:00
Hơn 50 tuyến phố của Hà Nội ngập sau trận mưa chiều 11/5
Hơn 50 tuyến phố của Hà Nội ngập sau trận mưa chiều 11/5
TP - Mùa mưa năm nay là lần thứ 5 “sát hạch” hệ thống hạ tầng tại dự án thoát nước Hà Nội trị giá hơn 550 triệu USD. Tuy nhiên, ngoài không đáp ứng được các cơn mưa ở mức trung bình, 5 năm qua dự án không giúp Hà Nội xử lý được bất kỳ “điểm đen” ngập úng nào.

Theo thống kê, từ đầu mùa đến nay, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 3 trận mưa lớn, đó là vào các ngày 11/5, 26/4 và 17/4. Cả 3 trận mưa này, đều nhấn chìm nhiều tuyến phố Hà Nội. Với trận mưa chiều tối 11/5, ghi nhận của PV Tiền Phong có hơn 50 tuyến phố bị ngập sâu, giao thông hoàn toàn tê liệt.

Lý giải về việc vì sao trong 5 năm qua, kể cả khi dự án Thoát nước Hà Nội đã được đưa vào sử dụng nhưng đến nay trên địa bàn thành phố vẫn còn nguyên 11 điểm ngập úng? Đại diện Cty Thoát nước Hà Nội cho rằng, từ 11 điểm ngập úng trong năm 2017, tiếp các năm sau đó, trên địa bàn thành phố đã phát sinh cả chục điểm ngập nước khác, do vậy thực tế trong mấy năm qua đơn vị đã tập trung xử lý cả chục điểm này. Với 11 điểm còn tồn tại trong mưa mưa năm nay, đại diện Cty Thoát nước cho rằng, có cả điểm nằm trong khu vực trung tâm và các quận nằm ngoài Vành đai 2.

PGS.TS Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, dự án thoát nước Hà Nội với tổng vốn rất lớn nhưng đến nay việc giải quyết úng ngập không được như kỳ vọng là rất đáng tiếc. Vẫn biết việc ngập úng tại Hà Nội có nhiều nguyên nhân, trong đó có phát triển đô thị mạnh, nhưng đầu tư đến hơn 11.000 tỷ đồng sau đó người dân vẫn phải cắn răng chịu đựng cảnh ngập úng với những trận mưa trung bình thì cơ quan có trách nhiệm cần phải xem lại.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng khẳng định, dự án thoát nước Hà Nội đang chứng minh sự không hiệu quả. Một dự án từ thi công cho đến lúc nghiệm thu, đưa vào sử dụng phải qua rất nhiều khâu thẩm định, người đặt bút ký, vậy tại sao lại như thế.

“Chuyện dự án chậm tiến độ, lỗi thời…, người dân, giới chuyên gia, khoa học chúng tôi đều biết cả. Có thể đặt chuyện này ở tình huống chuyện đã rồi nhưng để không lặp lại các sai lầm này thì các cơ quan có trách nhiệm ở thành phố cần nghiêm túc làm rõ, chỉ ra sai phạm trong quản lý, điều hành dự án. Việc này dứt khoát phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể xuê xoa, không thể để cán bộ, lãnh đạo có trách nhiệm tại dự án thì bình an vô sự, còn dân thì vừa lội nước bì bõm mỗi khi có mưa, vừa trả nợ vốn vay ODA”, bà An đề nghị.

MỚI - NÓNG