5 địa phương dẫn đầu PCI, Quảng Ninh quán quân lần thứ 6 liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tỉnh Quảng Ninh lần thứ 6 liên tiếp đạt quán quân của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các địa phương trong top đầu PCI 2022 gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp.

Đây là thông tin được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại buổi công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 ngày 11/4.

Báo cáo PCI đã điểm tên nỗ lực của Top 5 địa phương dẫn đầu. Quảng Ninh đứng đầu PCI 2022 với điểm số 72,95 trên thang điểm 100, giữ vững vị trí quán quân năm thứ 6 liên tiếp.

Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư, cải cách hành chính. Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã vận hành thành công Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp. Trong việc giải quyết thủ tục hành chính, Quảng Ninh cũng là điển hình tốt trong việc xây dựng và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã.

5 địa phương dẫn đầu PCI, Quảng Ninh quán quân lần thứ 6 liên tiếp ảnh 1

Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022.

Vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh.

Trong những năm gần đây, Bắc Giang tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh giao tiếp, nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về Thành phố Hải Phòng với điểm số 70,76. Doanh nghiệp tại Hải Phòng đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế trong năm qua.

Theo kết quả PCI 2022, 89% doanh nghiệp tại Hải Phòng đánh giá “UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 92% doanh nghiệp cho biết “các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh.” Đây là những chỉ tiêu Hải Phòng thuộc nhóm tốt nhất cả nước. Bước sang năm 2023, Hải Phòng bắt đầu triển khai mô hình “kết nối thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.” Mô hình này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh.

Vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đây cũng là lần đầu tiên tỉnh này góp mặt Top 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế của PCI. Chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong năm qua đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao. Bà Rịa – Vũng Tàu có một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”.

Đứng vị trí thứ năm trong Top đầu bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Đồng Tháp với 69,68 điểm. Đồng Tháp l tên tuổi quen thuộc trong top 5 của PCI. Từ năm 2007 đến nay, Đồng Tháp đã có 16 năm liên tiếp nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành. Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”, Đồng Tháp luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ doanh nghiệp và doanh nhân.

5 địa phương dẫn đầu PCI, Quảng Ninh quán quân lần thứ 6 liên tiếp ảnh 2

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số xanh cấp tỉnh 2022 (Ảnh: Như Ý).

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, năm 2022, khảo sát PCI đã nhận được phản hồi gần 12.000 doanh nghiệp. Điều tra PCI năm 2022 cho thấy được sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp trong và nước ngoài tiếp tục có sự trải nghiệm tích cực về thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí không chính thức của các chính quyền địa phương Việt Nam.

Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, chỉ số PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Bối cảnh kinh tế khó khăn cũng được phản ánh rõ trong điều tra PCI 2022 khi mức độ lạc quan của doanh nghiệp vẫn còn thấp, cảm nhận về cải cách trên nhiều lĩnh vực có phần chững lại, bản thân các doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn từ vốn, nhân lực, hạ tầng cho đến chất lượng thực thi bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

MỚI - NÓNG