Tại Khoa Nhi (BV Bệnh Nhiệt đới) trung bình mỗi ngày có 100 bệnh nhi đến khám vì SXH. Vì thế, các bác sĩ, điều dưỡng cố gắng giải thích cách chăm sóc điều trị tại nhà, dấu hiệu nào cần đến khám, an ủi động viên bệnh viên bệnh nhân bởi ai cũng lo lắng, ai cũng có nhu cầu nhập viện trong khi số giường có hạn.
Chỉ được phép dùng thuốc hạ sốt paracetamol
PGS Huy khuyến cáo, trong thời điểm dịch SXH như hiện nay, nếu bỗng dưng trẻ em sốt cao chỉ được dùng paracetamol để hạ sốt (tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h); không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị cho đến khi khẳng định được không phải do SXH. Vì những thuốc này có thể gây xuất huyết, toan máu.
Khi trẻ sốt ≥ 38,5 độ C cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10 – 15 mg/ kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 -6 giờ/ lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật.
“Không chỉ riêng trong mùa dịch, mà tôi luôn khuyến khích bệnh nhi sốt chỉ dùng paracetamol vì an toàn nhất với trẻ. Các thuốc còn lại bác sĩ khoa tôi không được kê cho bệnh nhân ngoại trú. Chỉ dùng khi có bác sĩ chỉ định và trong điều trị nội trú”, PGS Huy khẳng định.
Nước rau, nước hoa quả, oresol cần ưu tiên hàng đầu
Song song với hạ sốt, dinh dưỡng, nơi ở thoáng mát rất quan trọng. Sau khi dùng hạ sốt, nếu chưa giảm sốt nên cho người bệnh điều hòa nhiệt độ 28 – 29 độ và có chế độ ăn nhiều nước, loãng.
Các loại nước oresol, nước hoa quả, nước dừa, hay đơn giản chỉ là nước rau luộc là quá tốt với trẻ đang bị SXH. Nếu trẻ không uống được, uống nhiều nước lọc cũng rất tốt để giúp hạ sốt.
Trẻ em, hay kể cả bệnh nhân người lớn, khi bị SXH bắt buộc nghỉ ngơi tại chỗ. Bố mẹ nên ở nhà chăm con để theo dõi các dấu hiệu cần đến khám ngay.
5 dấu hiệu nguy hiểm cần đến viện ngay
- Trẻ tự nhiên thay đổi tính cách, bồn chồn, kích thích hoặc trẻ sốt cao nhưng vật vã, hoặc li bì.
- Xuất hiện nôn tăng lên.
- Trẻ tự dưng kêu đau bụng có xu hướng tăng.
Dấu hiệu thứ 4 là đái ít, đi ngoài phân đen. Bố mẹ ở nhà theo dõi con sẽ nhận thấy số lần đi tiểu, số lượng đi tiểu của trẻ ít đi so với bình thường.
- Có chảy máu bất cứ chỗ nào, chảy máu chân răng, chảy máu cam…
Khi có 1 trong 5 dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm phụ huynh cần đưa trẻ đến viện ngay. Tại bệnh viện bác sĩ sẽ đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm: phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm để chẩn đoán tình trạng bệnh của trẻ.
Ngay khi có 5 dấu hiệu trên và được đưa đến viện, bệnh nhân sẽ được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Theo đó dưới 6 tiếng phải truyền dịch hoặc khuyến khích bệnh uống và các dấu hiệu này phải được cải thiện trong thời gian cấp cứu đó.