Dựa trên khả năng tác chiến khi chạm mặt đối thủ xứng tầm, khả năng chống chịu trước tác động của thiên nhiên, bảo vệ phi công và lợi ích quốc gia, chuyên gia an ninh hàng đầu thế giới Robert Farley mới đây đánh giá 5 tiêm kích tệ nhất mọi thời đại trên National Interest.
Mô hình tiêm kích B.E.2 trong bảo tàng chiến tranh ở London, Anh. Ảnh: Wikimedia.
Tiêm kích B.E.2, Anh
Tiêm kích B.E.2 là một trong những máy bay quân sự đầu tiên được sản xuất đại trà với khoảng 3.500 chiếc. Sau khi cất cánh lần đầu năm 1912, tiêm kích này dần bị loại khỏi biên chế khi các máy bay tốt hơn ra mắt vào năm 1919.
B.E.2 chẳng khác gì những chiến đấu cơ thế hệ đầu tiên bởi nó sở hữu những tính năng không ai muốn trên một máy bay chiến đấu như khó quan sát, không tin cậy, khó kiểm soát, tốc độ chậm và vũ khí trang bị nghèo nàn.
B.E.2 trở thành nỗi kinh hoàng đối với các phi công khi công nghệ lạc hậu của nó khiến các chuyến bay trở nên nguy hiểm hơn với tai nạn luôn rình rập. Không quân Hoàng gia Anh quyết định loại bỏ B.E.2 sau khi tiêm kích Fokker Eindecker ra đời.
Tiêm kích Buffalo của không quân Mỹ. Ảnh: USAF.
Tiêm kích Brewster Buffalo, Mỹ
Tiêm kích Buffalo, loại máy bay ngắn, thân mập, được biên chế cùng năm với các tiêm kích uy lực vượt trội hơn như Mitsubishi A6M Zero của Nhật và Bf-109 của Đức.
Chiến đấu cơ này được Mỹ chuyển giao cho quân đội Phần Lan sử dụng sau khi kết thúc Cuộc chiến Mùa Đông. Sau khi ra đời, chiếc máy bay này được bổ sung nhiều tính năng như lắp thêm giáp ngoài, thùng dầu phụ, mang thêm vũ khí đạn dược. Tuy nhiên, điều đó khiến trọng lượng của tiêm kích này tăng lên đáng kể so với công suất động cơ thiết kế, khiến uy lực của nó suy giảm do không thể cơ động hoặc duy trì tốc độ tối đa.
Dù đối phó hiệu quả với chiến đấu cơ Liên Xô thời gian đầu sau Cuộc chiến Mùa Đông, các chiến đấu cơ Buffalo bị tiêm kích Zero và Oscar của Nhật bắn rụng như sung khi tham chiến ở Đông Nam Á.
Thủy quân lục chiến Mỹ gán biệt danh "cỗ quan tài bay" cho loại tiêm kích này sau trận hải chiến Midway bởi màn trình diễn thảm họa trước không quân Nhật Bản. Sau đó, chiến đấu cơ này nhanh chóng bị thay thế bằng tiêm kích F4F Wildcat hiệu quả hơn nhiều. Mỹ đã sản xuất tổng cộng 509 chiếc Buffalo.
Tiêm kích LaGG-3 của Liên Xô. Ảnh: Wikimedia.
Tiêm kích LaGG-3, Liên Xô
Tiêm kích LaGG-3 được Liên Xô thiết kế, chế tạo để đối phó với cuộc xâm lược của phát xít Đức năm 1941, thế nhưng nó lại trở thành một thảm họa và được gắn biệt danh "cỗ quan tài đánh véc-ni".
Dù biên chế muộn 5 năm sau tiêm kích Bf-109 Đức, LaGG-3 không thể giành chiến thắng trước đối thủ. Chiến đấu cơ này là sự kết hợp giữa lớp vỏ gỗ mỏng manh với động cơ yếu ớt, khiến nó dễ dàng vỡ tan khi trúng đạn từ tiêm kích Đức.
Các phi công Liên Xô được huấn luyện gấp rút trong giai đoạn này cũng không thể đọ được với phi công thiện chiến của Đức, khiến không quân Liên Xô hứng chịu nhiều thiệt hại.
Trước khi dừng sản xuất vào năm 1944, ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã kịp cho ra đời tới 6528 "cỗ quan tài bay" mang tên LaGG-3.
Tiêm kích F-104 Starfighter. Ảnh: USAF.
Tiêm kích F-104, Mỹ
Tiêm kích F-104 Starfighter là chiếc máy bay có tốc độ nhanh, kiểu dáng đẹp, nhưng lại là một bẫy tử thần khiến phi công Mỹ và đồng minh phải gọi nó bằng biệt danh "cỗ quan tài bay".
F-104 là loại tiêm kích đánh chặn siêu âm một động cơ được hãng Lockhead Martin phát triển cho không quân Mỹ từ năm 1958, sau đó chuyển giao công nghệ cho các đồng minh phương Tây. Tổng cộng 2.578 tiêm kích F-104 đã được Mỹ và đồng minh sản xuất.
Tuy nhiên, F-104 trở thành nỗi kinh hoàng khi tỷ lệ gặp sự cố là 30 lần trong mỗi 100.000 giờ bay. Hơn 50% tiêm kích F-104 của không quân Canada và khoảng 1/3 tiêm kích loại này của không quân Đức đã bị rơi. Phi công nổi tiếng của không quân Đức Erich Hartmann đã quyết định nghỉ hưu để phản đối quyết định triển khai tiêm kích F-104 trong lực lượng này. Đến năm 2004, những chiếc tiêm kích F-104 cuối cùng trên thế giới ngừng hoạt động.
Tiêm kích MiG-23 Flogger của Liên Xô. Ảnh: Wikimedia.
Tiêm kích MiG-23, Liên Xô
MiG-23 Flogger được cho là câu trả lời của Liên Xô với các chiến đấu cơ F-4 và F-111 Mỹ. Đây là một tiêm kích cánh cụp cánh xòe mạnh mẽ có thể đảm nhận vai trò tấn công và đánh chặn. Và MiG-23 rõ ràng là tiêm kích rất uy lực với 5047 chiếc được sản xuất.
Tuy nhiên, tiêm kích này thường gặp trục trặc khi bay và rất khó bảo dưỡng. Các phi công thử nghiệm Mỹ được giao nhiệm vụ tìm hiểu tính năng của MiG-23 đều coi Flogger là một mối thảm họa. Năm 1984, trung tướng không quân Mỹ Robert M. Bond tử nạn khi lái một chiếc MiG-23.
Động cơ của MiG-23 xuống cấp quá nhanh và liên tục cần bảo dưỡng, thay thế. Thành tích chiến đấu của MiG-23 trong không quân Syria, Iraq và Lybia cũng không mấy khả quan nên không quá ngạc nhiên khi tiêm kích này gần như bị loại khỏi biên chế trước cả chiến đấu cơ tiền nhiệm MiG-21.