41 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Gìn giữ hòa bình, hữu nghị

Sôi nổi chương trình “Khăn hồng hữu nghị” giữa thiếu nhi biên giới. Ảnh: Duy Chiến
Sôi nổi chương trình “Khăn hồng hữu nghị” giữa thiếu nhi biên giới. Ảnh: Duy Chiến
TP - Năm 1991, ngay sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc, người dân di cư đã trở lại quê cũ. Gác lại quá khứ, Lạng Sơn nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng quê hương vun đắp tình hữu nghị, giao thương, kết nối với nhân dân nước bạn.  

Bang giao, kết nghĩa

Ông Sái Vĩnh Chung, Phó chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) cho biết, với chủ trương đẩy mạnh đối ngoại nhân dân, ngày 12/12/2017, thị trấn Đồng Đăng kết nghĩa với Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Hoạt động này ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khu vực biên giới phát huy quan hệ láng giềng truyền thống, qua lại thăm thân, giao lưu, hợp tác kinh doanh, trao đổi hàng hóa, góp phần quan trọng vào việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

“Cứ vào dịp 12/12, chúng tôi tổ chức gặp mặt, ôn lại truyền thống hữu nghị, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đồng thời giải quyết những bất đồng để mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân hai nước láng giềng khăng khít hơn. Năm ngoái, chúng tôi được bạn mời sang Bằng Tường giao lưu văn nghệ sân khấu ngoài trời ngay tại chợ trung tâm. Sau đó, hai bên ký kết hợp tác phát triển, chung tay vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung ngày càng bền chặt”, ông Chung nói.

41 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc: Gìn giữ hòa bình, hữu nghị ảnh 1 Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn (thứ 2 phải sang) trao hỗ trợ vật tư y tế phòng dịch cúm cho lãnh đạo Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Duy Chiến

Ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm là Lễ hội thị trấn Đồng Đăng, anh em láng giềng phương Bắc lại nhập cảnh sang thăm thân, chúc tết, vui xuân. Năm nay, do có dịch cúm Covid-19, không tổ chức được các hoạt động lễ hội, UBND thị trấn Đồng Đăng gặp mặt trấn Bằng Tường tại km số 0, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thăm hỏi, san sẻ kinh nghiệm đồng thời trao cho bạn 2.000 chiếc khẩu trang phòng chống dịch bệnh.

“Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực phát huy mối quan hệ: “Trao đổi hợp tác ở vùng biên”, triển khai thỏa thuận hợp tác giữa hai tỉnh trên nhiều lĩnh vực, thương mại, đầu tư, quản lý biên giới, quản lý cửa khẩu. Nhờ đó, hoạt động kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu qua địa bàn năm sau luôn cao hơn năm trước...”.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Thôn biên giới Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng có trên 400 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu sinh sống. Sau 2 năm kết nghĩa với bản Lũng Nghịu, thôn Khả Phong, trấn Hữu Nghị, thị Bằng Tường, Quảng Tây, cấp ủy, chính quyền, nhân dân 2 bên có nhiều hoạt động thiết thực. Người dân 2 thôn - bản có nhiều dịp gặp gỡ học tập kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa.

Bà Hoàng Thị Phương, dân tộc Tày, trú tại thôn Cốc Nam cho biết: “Sau khi kết nghĩa, chúng tôi được tuyên truyền xây dựng tình đoàn kết, bảo vệ môi trường, bảo vệ đường biên, phòng chống tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại. Ngoài ra bà con hai bên đường biên được giao lưu văn hóa, thể thao vui lắm”.

Khăn hồng hữu nghị

Nhiều năm nay, thiếu nhi biên giới tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) được gặp mặt, giao lưu thông qua chương trình sôi nổi mang tên: “Khăn hồng hữu nghị”.

Chị Đinh Thị Anh Thư, Phó bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hoạt động này được hai bên thống nhất luân phiên tổ chức mỗi năm một lần. Sau các màn văn nghệ sôi động, đậm đà bản sắc dân tộc, thiếu nhi 2 tỉnh - khu thực hiện nghi thức trao khăn quàng đỏ và gắn huy hiệu Đội. Cùng với đó, các em thả hàng trăm quả bóng bay lên bầu trời thể hiện ước vọng hòa bình của thiếu nhi 2 nước.

“Năm 2018, chương trình diễn ra tại Lạng Sơn lại đúng ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh 15/5, thiếu nhi 2 tỉnh - khu thành kính dâng hương tại khuôn viên lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu lưu niệm anh Hoàng Văn Thụ. Các em được tham quan các danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, giao lưu văn nghệ thiếu nhi Lạng Sơn - Quảng Tây vun đắp tình hữu nghị Việt - Trung và lửa trại truyền thống”, chị Thư kể.

Trong các hoạt động này, các bạn thiếu nhi hai nước tay trong tay, nhiệt tình tham gia các trò chơi tập thể. Nhiều bạn ấn tượng và nể phục đối với bạn A Dỉ, 14 tuổi, đội viên trường THCS thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. A Dỉ sử dụng gần 10 nhạc cụ sáo, kèn rất độc đáo của người dân tộc Choang. Không những vậy, A Dỉ lại rất cừ khi chơi “đập niêu”, “bịt mắt bắt dê” cùng các bạn Lạng Sơn. Lần đó, gặp tôi, khi được phỏng vấn, A Dỉ cười ửng đỏ đôi má tâm sự: “Trước khi sang giao lưu với các bạn Việt Nam, chúng em biết vùng Lạng Sơn có nhiều bạn hát hay, đàn giỏi lại khéo tay nên chúng em cố gắng rèn luyện để không thua kém các bạn. Chúng em chơi với nhau thật vui, thật ấm áp!”.

Củng cố tình đoàn kết

Đầu năm Canh Tý, đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp ở biên giới. Cảm thông, chia sẻ những khó khăn trước mắt của nước bạn, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều hoạt động thiết thực. Chiều ngày 6/2, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), thay mặt tỉnh Lạng Sơn, bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy đã trao tặng 350.000 khẩu trang y tế cho chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc).

Trước đó, ngày 3/2, tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ 265.000 khẩu trang y tế, 504 chai cồn sát trùng, 800 bộ quần áo, 9.000 đôi găng tay y tế, 720 bánh xà phòng diệt khuẩn, trị giá trên 1,2 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn khẳng định, tỉnh Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung luôn phối hợp với các lực lượng, địa phương của Trung Quốc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm mục tiêu khống chế thành công dịch bệnh. Số vật tư y tế tỉnh Lạng Sơn trao tặng lần này vừa là tấm lòng vừa là mong muốn 2 bên tiếp tục đoàn kết, quyết tâm cùng nhau chiến thắng dịch bệnh.

Tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền để cư dân 2 nước nâng cao nhận thức và cách phòng tránh dịch Covid-19, đồng thời tiếp tục duy trì ổn định tình hình giao thương, xuất nhập khẩu.

Xúc động trước những tình cảm của tỉnh Lạng Sơn nói riêng, Việt Nam nói chung, ông Dương Tấn Bách, Phó Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang cho biết, trong lúc dịch bệnh viêm phổi cấp đang diễn biến phức tạp, sự giúp đỡ, ủng hộ bằng cả vật chất và tinh thần của Lạng Sơn hết sức quý báu, thể hiện tình hữu nghị và tin tưởng với sự giúp đỡ, hỗ trợ này, Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung sẽ có thêm động lực để khống chế thành công dịch bệnh.

Chiều đã muộn. Những cái bắt tay qua biên giới như nồng ấm, siết chặt nhau hơn. Bên những dãy núi đồi trên rẻo biên cương, có những bông hoa gạo rực đỏ như truyền nhiệt huyết thể hiện quyết tâm vượt những trở ngại, khó khăn để đường biên giới Việt- Trung ngày càng yên bình và cùng thịnh vượng.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.