Chuyện là thế này. Khi địch tấn công Cao Bằng thì có trạm thông tin A51 vẫn chốt lại được trong lòng thị xã, vẫn quan sát và báo tin về Sở chỉ huy rất hữu hiệu. Mãi đến ngày 25/2 trạm mới phải rời khỏi thị xã, rút về ngã ba Nà Phặc tổ chức trạm A51B. Nhiệm vụ của tôi lên Ngân Sơn là để gặp các trạm viên và viết về chiến công này. Vậy là chúng tôi nhanh chóng lên đường.
Lại mang súng, bi đông, tăng võng nhét ba lô như hồi nào. Chia tay Hà Nội. Những giọt mưa rơi ngoài trời cũng như rơi trong lòng suốt đường lên quen lạ, lạ quen. Thái Nguyên vốn được quy hoạch là “thủ đô gang thép” nhưng qua chiến tranh phá hoại chưa được xây dựng lại. Khói gang thép màu nâu hồng như sóng trào trên nền trời mờ xanh. Hoa gạo đỏ rụng suốt đường lên. Đồi đất đỏ, trắng nụ cười trung du. Những chiến hào lại rạch dọc ngang mặt đất. Những băng chuyền đá như pháo ghếch nòng. Qua Bắc Cạn, hoa chanh, hoa mận nở trắng như những vành khăn tang thương tiếc những người dân tử nạn, những người lính hy sinh. Ám ảnh dọc đường cùng chúng tôi lên Ngân Sơn, nơi tất cả Cao Bằng tụ về Trà Lĩnh.
Ở Ngân Sơn, tôi gặp những chiến sĩ thông tin của trạm A51 vừa rút ra xây dựng trạm A51B. Đại đội trưởng Hà Tiến Đèn có gương mặt vuông chữ điền, nước da ngăm đen. Anh là người Cao Bằng. Anh chậm rãi kể tôi nghe câu chuyện của đại đội anh và trạm A41 bám trụ tại thị xã Cao Bằng suốt 8 ngày qua. Câu chuyện đang là huyền thoại mà mấy hôm vừa xong, lính còn đồn đại suốt.
Ngày 17/2, địch pháo kích liên miên hướng Trà Lĩnh. Hà Tiến Đèn kịp thời bàn giao 4 chiến sĩ của đại đội cho đơn vị pháo binh đối pháo với kẻ thù. 10 giờ 30 ngày 18/2, địch tràn qua Tà Sa cắt đứt thông tin giữa trạm A53 và trạm A 51. Tại mặt trận Cao Bằng, đường đây quân sự như một lưỡi kiếm mà trạm A51 như mũi nhọn của lưỡi kiếm ấy.
Ngày 19/2, Hà Tiến Đèn cùng một tiểu đội xuyên vòng vây địch tới trạm A51 để tổ chức khôi phục liên lạc giữa trạm A53 và trạm A51. Tới 3 giờ sáng 20/2, thông tin đã được khôi phục. Khi cử người ở lại chốt tại A51, tất cả đều xung phong. Khó khăn lắm Hà Tiến Đèn mới chỉ định được 5 người bám trụ gồm Hoàng Văn Tâm - trạm trưởng, các trạm viên là: Nguyễn Đức Luận, Hoàng Văn Thiệu, Nguyễn Văn Đệ và Lê Minh Hoa.
Họ bám trụ luân phiên nhau theo mô hình: 1 trực máy, 2 gác cảnh giới, 2 chờ thay gác và kịp thời nối dây. Với số người ít ỏi như thế, họ hầu như không ngủ, cùng cả thị xã chặn đứng kẻ thù, không cho vào thị xã. Mãi đến 14 giờ 25 ngày 24/2, sau khi báo về A53 “mấy ngày vẫn yên ổn. Thị xã Cao Bằng vẫn trong sự kiểm soát của ta” thì mất liên lạc!
Mãi đến 8 giờ ngày 25/2, mới thấy lính Trung Quốc lố nhố, thổi kèn inh ỏi, cờ phất giữa trời. Ngay lập tức, Luận và Hoa gói máy vào ni lon, giấu vào rãnh cáp sau nhà. Rồi sau đó, họ cụm lại chặn địch. Mãi tới chiều, họ mới men theo sông Hiến rút dần về phía sau. Người bị thương thất lạc là trạm trưởng Hoàng Văn Tâm. Có thể Tâm đã nhập đơn vị khác trên đường rút ra. Còn 4 chiến sĩ đang ngồi hiền khô trước mặt tôi.
Ngay lập tức ngày 26/2, họ được trao tặng Huân chương Chiến công hạng nhất. Trạm A51B được xây dựng dã chiến ngay trong một hang đá lạnh lẽo của vùng cách cung Ngân Sơn. Những tiếng nói trong phiên trực nối phiên trực lại bắt đầu làm ấm vòm hang. Không chỉ gặp các chiến sĩ trạm A51 lầm lì, quả cảm, tôi còn được chứng kiến một nhóm trẻ con luồn rừng 14 ngày thoát khỏi nanh vuốt quân xâm lược. Chính sự kiện này đã cho tôi có được bài thơ Trẻ con của Cao Bằng mà đối với tôi, đó là bước tiến trong bút pháp thơ tôi:
Những đứa trẻ lên ba, lên năm/ Mười bốn ngày không được đi mẫu giáo/Cô chẳng còn cài cho phiếu bé ngoan/Hoa dành tặng cô trong túi bé héo dần/Mười bốn ngày vượt vòng vây giặc/Đi cả đêm thiếu ngủ mắt bơ phờ/Tay rã rời bịt miệng nhịn ho/ Không được hát, bé càng không được khóc/Chân không giày chân bé tấy sưng/Đầu gối run run cơn đói chập chờn/Bé không đếm nổi/Bao lần trượt rừng bao lần ngã suối/Mười ngón tay bé đã đếm hết mười/
*
Đây các em đang trước mặt tôi/ Bụi măng luồng thô tháp/ Nhem nhuốc như vừa chui lên từ đất/Cười đùa quên xước xát đầy mình/ Vẫn đôi chân nhún nhảy nhịp múa xinh/ Củ sắn trắng tay cầm bốc khói/ Mây thấp thoáng đáy mắt ngời đen láy/ Gió chơi trốn tìm trong quần áo rách bươm/
*
Mười bốn ngày ăn không đủ suất trẻ con/ đi bằng người lớn/Im lặng như người già/Đạp qua vòng vây giặc/ Những thằng thèm xé xác trẻ con/ Trẻ con của Cao Bằng/ Là những người chiến thắng/ Giữa lũ lượt gánh gồng sơ tán/ Ngược đường chúng tôi lên mặt trận sớm nay.
Bây giờ sau 40 năm, những ký ức tưởng chừng mất tích, tôi lật giở lại từng trang ghi chép cũ đã nhòa màu thời gian mà lòng rưng rưng lạ. Cuộc chiến kéo dài 10 năm (1979 -1989) đã khẳng định một thế hệ người lính Việt Nam. Bên cạnh những chiến công, những dâng hiến, những hy sinh, cuộc chiến tranh đó góp phần khẳng định thêm những giá trị văn chương mới, những đóng góp mới cho nền văn học Việt Nam đương đại, khẳng định thêm các tác giả mới trong đó có tôi.
Không chỉ gặp các chiến sĩ trạm A51 lầm lì quả cảm, tôi còn được chứng kiến một nhóm trẻ con luồn rừng 14 ngày thoát khỏi nanh vuốt quân xâm lược. Chính sự kiện này đã cho tôi có được bài thơ Trẻ con của Cao Bằng, là bước tiến trong bút pháp thơ tôi.