Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, năm 2016 cơ quan đăng kiểm đã cảnh báo 2.800 ôtô vi phạm giao thông nhưng chưa nộp phạt hành chính. Đầu năm 2017 đến nay có thêm 1.200 xe ôtô trong diện cảnh báo. Các xe này đã bị xử phạt vi phạm hành chính song chủ xe chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Ông Trí cho biết, các xe này được cơ quan công an thông báo đến Cục Đăng kiểm, Cục đã đăng tải lên mạng báo tin cho các trung tâm đăng kiểm. Khi chủ xe đến làm kiểm định, trung tâm sẽ yêu cầu chủ xe đi nộp phạt cho vi phạm hành chính trước đó, rồi mới kiểm định xe, cấp chứng nhận tham gia giao thông.
"Nếu phương tiện không nộp phạt hay đi kiểm định đúng thời hạn thì sẽ bị xử phạt và gia tăng mức phạt nếu gây tai nạn", ông Trí nói và cho biết, quy định từ chối đăng kiểm với xe vi phạm giao thông nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng thông tư 70 của Bộ Giao thông.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, nhiều chủ xe khi đến trung tâm ngỡ ngàng vì vi phạm giao thông bị camera ghi hình lại và bị áp dụng phạt “nguội”. Nhiều xe đã thay đổi chủ sở hữu song không làm thủ tục sang tên nên chủ sau không nhận được phiếu phạt. Ngoài ra, không ít trường hợp cố tình “trốn” phạt sau khi vi phạm.
Cũng theo đại diện Cục Đăng kiểm, việc dừng tiếp nhận kiểm định các phương tiện không chỉ giúp cơ quan chức năng nâng hiệu quả xử lý tài xế vi phạm mà còn giúp phát hiện ra một số lái xe, phương tiện gây tai nạn. Ví dụ, có trường hợp xe gây tai nạn rồi bỏ trốn, sau đó xe được bán cho nhiều chủ. Chiếc xe được đưa lên mạng cảnh báo và 3 năm sau khi xe đi đăng kiểm, cơ quan công an đã truy tìm được người gây tai nạn để xử lý.