4 nguồn vắc-xin chống COVID-19

Tuy có vắc-xin song người dân vẫn phải duy trì “5K” để bảo vệ mình và góp phần chống dịch. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Tuy có vắc-xin song người dân vẫn phải duy trì “5K” để bảo vệ mình và góp phần chống dịch. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
TP - “Trong năm 2021, chúng tôi đảm bảo không thiếu vắc-xin. Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm. Ðây là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với gần 90 triệu liều”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói ngày 24/2, đồng thời cho biết có 4 nguồn vắc-xin cho phòng chống dịch COVID-19.

Về lộ trình cung ứng vắc-xin, Bộ Y tế cho hay, dự kiến quý I có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3; quý II có 9,5 triệu liều và quý III có 25,9 triệu liều; quý IV có 51,1 triệu liều.

Về việc cung ứng vắc-xin phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện nay, vắc-xin có 4 nguồn. Cụ thể, nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này. Tiếp đó là vắc-xin của AstraZeneca. Ngày 23/2, Bộ Y tế đàm phán lần cuối cùng với AstraZeneca và Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC). Lô 30 triệu liều vắc-xin này được Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua VNVC. Thứ ba là vắc-xin của Pfizer; Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vắc-xin này. Và cuối cùng là vắc-xin Sputnik V của Nga; Bộ Y tế đang tích cực đàm phán. Trong tuần này, Bộ sẽ họp hội đồng cấp phép cho vắc-xin của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.

Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vắc-xin khác. “Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ”, ông Long nói.

Đối với vắc-xin trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến, năm 2022, Việt Nam sẽ sản xuất được vắc-xin. “Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc sản xuất vắc-xin của Việt Nam, trong đó vắc-xin của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này và vắc-xin của IVAC có hiệu quả rất tốt”, ông nói.

Ông Long nói rằng, 117.000 liều vắc-xin của AstraZeneca về đến Việt Nam hôm 24/2 sẽ được tiêm cho nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly, phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc các tổ COVID-19 cộng đồng, phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch... Đầu tháng 3 sẽ tiêm số vắc-xin này, ưu tiên tiêm trước cho người có nguy cơ cao, vùng có dịch.

Ngày 24/2, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Bộ Y tế quan tâm và sớm cấp vắc-xin ngừa COVID-19 để thành phố tiêm cho người dân. Hải Phòng đã thống nhất sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ kinh phí cho Chính phủ trong việc cấp 2 triệu liều vắc-xin cho Hải Phòng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế để các tỉnh, thành phố tiếp cận trực tiếp nguồn vắc-xin.

Kiểm soát tốt tình hình dịch trên cả nước

Sáng 24/2, báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói rằng, tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành phố, gần 2 tuần không ghi nhận ca mắc mới. Tại tỉnh Hải Dương, số ca mắc mới những ngày gần đây đã có dấu hiệu giảm.

Không vì có vắc-xin mà chủ quan

Nhấn mạnh tinh thần “không vì có vắc-xin mà chủ quan”, ngày 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế chuẩn bị dự thảo một nghị quyết về việc tiêm vắc-xin và các đối tượng được tiêm miễn phí. “Chiến lược của chúng ta là toàn dân được tiêm vắc-xin, nhưng chưa thể đủ ngay một lúc nên cần có thứ tự ưu tiên”, Thủ tướng nói. Thủ tướng giao Bộ Y tế làm đầu mối tiếp nhận các kênh vắc-xin về Việt Nam để có nhiều loại vắc-xin phù hợp với điều kiện trong nước với giá rẻ, minh bạch, đủ tiêm cho nhân dân. Với những địa phương quá khó khăn về kinh phí, cần báo cáo, trình Thủ tướng để sớm có phương án xử lý.

“Đánh giá chung tình hình dịch trên cả nước có thể thấy rằng, về cơ bản, chúng ta đã kiểm soát tốt. Các địa phương đều cơ bản đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế”, ông Long nói. Đến nay, 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này đã trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh, gồm: Hòa Bình 25 ngày, Điện Biên 20 ngày, Hà Giang 20 ngày, Bình Dương 19 ngày, Hưng Yên 17 ngày, Bắc Giang 15 ngày, Gia Lai 14 ngày, Bắc Ninh 13 ngày, TPHCM 12 ngày, Hà Nội 9 ngày.

Đối với chùm ca bệnh tại Hải Phòng, nhận định ban đầu có liên quan Hải Dương. Hải Phòng đã lấy gần 3.000 mẫu, trong đó có 358 trường hợp F1 và các trường hợp liên quan. Đến nay, tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính. Đối với tình hình dịch tại Hải Dương, tình hình đang được kiểm soát tốt. Tốc độ lấy mẫu xét nghiệm và truy vết của Hải Dương tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế không có chủ trương cho xét nghiệm tự nguyện, để tránh gây lãng phí và tốn kém.

Ngày 24/2, Bộ Y tế cho biết, có thêm 11 bệnh nhân COVID-19, đều ghi nhận tại Hải Dương. Việt Nam có tổng cộng 1.513 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 820. Hiện còn hơn 580 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Về kết quả giải trình tự gene bệnh nhân 2229 (người Nhật tử vong tại Hà Nội), lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân nhiễm biến thể nhóm 20C, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. “Chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan..., nhưng không có ở Nhật Bản. Tốc độ lây nhiễm không cao, tuy nhiên, mức độ tăng nặng chưa rõ ràng”, ông Long nói. Ngoài ra, ngành Y tế đã xét nghiệm, phân lập virus 28 mẫu bệnh nhân Hải Dương, 8 mẫu tại Quảng Ninh đều là biến chủng Anh. Tuy nhiên, có mẫu bệnh nhân ở thành phố Hải Dương ghi nhận nhiễm biến chủng Nam Phi. Ngành Y tế đang xét nghiệm gene diện rộng để tìm nguyên nhân chủng này xuất hiện ở Hải Dương. “Mầm bệnh có thể đã tồn tại trong cộng đồng, do vậy, cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch”, ông Long nói.

MỚI - NÓNG