Nguy cơ mất 15 tỷ đồng vì đối tác có vốn điều lệ 1 đô la
Cuối tuần qua, theo thông tin từ PVTrans, năm 2011, do nguồn hàng vận chuyển nội địa sụt giảm mạnh, đội tàu sản phẩm dầu không có việc phải nằm chờ, PVTrans buộc phải đưa đội tàu ra khai thác quốc tế. Đơn vị ký hợp đồng với Công ty Womar Tanker Pools để đưa các tàu PVT Eagle và PVT Sea Lion tham gia vào khai thác theo hình thức quản lý khai thác tàu. Theo đó, Công ty Womar Tanker Pools thay mặt PVTrans trực tiếp tìm kiếm nguồn hàng cho các tàu, đàm phán ký kết hợp đồng với các khách hàng thuê tàu trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cao nhất cho PVTrans.
Về việc hợp tác này, tiền cước vận chuyển sau khi thu được từ các khách hàng thuê tàu và trừ đi chi phí khai thác của tàu sẽ được Công ty Womar Tanker Pools trả cho chủ tàu. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, các tàu PVT Eagle và PVT Sea Lion của PVTrans đã được Công ty Womar Tanker Pools cho rất nhiều khách hàng thuê, trong đó có Aavanti.
Theo văn bản của Cty CP Vận tải xăng dầu Phương Nam (thuộc PVTrans) gửi PVTrans ngày 12/6/2017 thì, kết quả điều tra tài sản của Aavanti do Cty Luật Haridass Ho& Partners cung cấp cho Cty CP Vận tải xăng dầu Phương Nam ngày 5/6/2017 thể hiện, không tìm thấy bất kỳ tài sản nào của Aavanti tại Hongkong và Singapore và không tìm thấy Aavanti có đăng ký là chủ sở hữu bất cứ con tàu nào.
Ngoài ra, theo báo cáo điều tra các giao dịch tài chính, Aavanti là Công ty Trách nhiệm hữu hạn có vốn chủ sở hữu đăng ký là 1 đô la Hong Kong (tương đương khoảng 3.000 VNĐ). Không những thế, Aavanti hiện vẫn tồn tại nhưng không tìm thấy giao dịch tài chính nào qua ngân hàng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng đã phát sinh tiền cước lưu tàu, đối tác phải trả cho PVTrans trên 420 nghìn USD. Ngoài ra, số tiền lãi phát sinh tính đến thời điểm hiện nay ước tính khoảng 245,9 nghìn USD. Như vậy, tổng số tiền nợ và lãi phát sinh đến nay khoảng 666 nghìn USD (tương đương khoảng 15,6 tỷ đồng). Khi phát sinh số tiền này, PVTrans đã giao cho Cty CP Vận tải xăng dầu Phương Nam thu hồi công nợ tại Aavanti.
"Tiền cước của những chuyến hàng"
Liên quan sự việc trên, ngày 29/5, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Việt Anh - Tổng Giám đốc PVTrans cho rằng số tiền 15 tỷ đồng trên là tiền cước của những chuyến hàng, gọi là tiền "dôi nhật". “Hằng năm có thể chở tới hàng nghìn chuyến, chẳng hạn như tàu đến cảng của người ta sớm hơn thì mình báo cho người ta, sau đó bốc hàng, người ta bắt mình chờ, thì mình yêu cầu thời gian chờ phải trả thêm tiền” - ông Việt Anh nói. Tuy nhiên, luật sư Phạm Văn Minh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để xảy ra nguy cơ mất hơn 15 tỷ đồng, PVTrans có phần trách nhiệm do thiếu kiểm tra về năng lực tài chính của đối tác...
Liên quan số tiền 3,5 tỷ đồng “bỏ quên” ở PVTrans, trước đó, ngày 24/10/2019, cơ quan điều tra có văn bản 5188/C03-P15 nội dung xác định PVTrans đã được các bị cáo trong vụ án Hà Văn Thắm chi tiền “chăm sóc khách hàng”.
Đến ngày 5/11/2019, tại văn phòng PVTrans, một số lãnh đạo của công ty này đã lập biên bản về sự việc “giao nộp 3,5 tỷ đồng lãi ngoài của Ngân hàng Oceanbank cho cơ quan công an”. Nội dung biên bản ghi: “Kết quả rà soát cho thấy số tiền 3,5 tỷ đồng phát hiện tại Ban Tài chính kế toán ngày 30/9/2019 không thuộc sở hữu của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào thuộc PVTrans”.
Tuy nhiên, tới ngày 26/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại PVTrans đồng thời bắt tạm giam bị can Nguyễn Thị Kim Anh (SN 1974, ở Hà Nội), nguyên Kế toán trưởng PVTrans.
PV đặt câu hỏi về khoản tiền 3,5 tỷ đồng bị “bỏ quên” tại PVTrans có liên quan gì tới bị can Nguyễn Thị Kim Anh hay không? Ông Phạm Việt Anh - Tổng Giám đốc PVTran cho rằng, cơ quan điều tra đang làm nên phải chờ thông tin từ cơ quan điều tra.
Sau gần 6 năm thu thập thông tin và tìm hiểu đối tác, ngày 12/6/2017 Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu Phương Nam đã gửi Công văn 204-17 trả lời PVTrans cho rằng, khả năng đòi nợ là rất khó vì Cty Aavanti không có tàu, không có tài khoản, vốn điều lệ mang tính tượng trưng 1 đô la Hong Kong…