30% doanh nghiệp phải 'bôi trơn' khi làm thủ tục xây dựng?

Theo khảo sát của VCCI, tới 30% số DN cho biết phải chi các khoản để bôi trơn trong quá trình thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng.
Theo khảo sát của VCCI, tới 30% số DN cho biết phải chi các khoản để bôi trơn trong quá trình thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng.
TPO - Khoảng 30% doanh nghiệp đã phải phải dùng chi phí không chính thức để “giải quyết nhanh” các thủ tục trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Ngày 26/11, tại hội thảo công bố báo cáo thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, gần 2.100 DN có hoạt động xây dựng mới hoặc cải tạo lớn văn phòng, nhà xưởng sản xuất trong hai năm gần nhất tham gia vào khảo sát trên. 

 Trong đó, DN dân doanh trong nước chiếm tỷ trọng 82%, và 18% còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Báo cáo lựa chọn 13 thủ tục hành chính để đánh giá là: Quyết định chủ trương đầu tư; các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy….

Qua khảo sát, thủ tục doanh nghiệp cảm thấy dễ dàng thực hiện hơn cả là thủ tục cấp thoát nước và kết nối, cấp điện. Trong khi đó, với các thủ tục hành chính còn lại, một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp (dao động từ 32,5% đến 58,4%) còn gặp khó khăn.

Xếp cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp từng gặp khó khăn là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Lần lượt 58,4% và 52,2% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện hai nhóm thủ tục này.

Ông Tuấn cho biết, kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát. Đặc biệt, doanh nghiệp càng nhỏ tỷ lệ gặp trở ngại càng cao.

“Đây cũng là thông tin đáng suy nghĩ. Việc này có thể do FDI chuẩn bị thủ tục, tìm hiểu kỹ hơn, hoặc cũng có thể bị cơ quan cấp phép ít “hành” hơn so với DN trong nước”, ông Tuấn nói.

Theo khảo sát, công tác thanh tra, kiểm tra về xây dựng còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động này của các cơ quan nhà nước.

Ông Tuấn cho hay, xuất hiện tình trạng nhũng nhiễu trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ. DN phải chi các khoản không chính thức “để giải quyết nhanh”.

Nguyên nhân gây ra phiền hà, theo các DN, tỷ lệ cán bộ giải quyết hồ sơ gần 53% gây khó khăn, có thể ngâm hồ sơ, hành, hạch sách. Các DN cũng cho rằng trên 50% liên quan đến quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để có một giấy phép xây dựng, trung bình DN phải phải đi lại 3 lần, thậm chí 5% DN dân doanh trong nước họ phải đi lại tới 10 lần. Cùng đó, thời gian giải quyết thủ tục cấp xây dựng trung bình là 25 ngày. Tuy nhiên, có 10% phải mất tới 60 ngày, thậm chí có DN mất 90 ngày.

30% doanh nghiệp phải 'bôi trơn' khi làm thủ tục xây dựng? ảnh 1 Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng cần triển khai thủ tục trực tuyến, nhằm hạn chế sự nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức

Để giảm thiểu chi phí không chính thức, ông Tuấn cho rằng, cần phát triển rộng rãi các hình thức thanh toán trực tuyến cấp độ 4 cho thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế việc nhũng nhiễu, gây phiền hà khi doanh nghiệp phải gặp trực tiếp cán bộ giải quyết thủ tục.

Để tăng tính minh bạch và liêm chính trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ, báo cáo đề xuất tăng cường và nâng cao chất lượng ứng dụng thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cũng như trong việc theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục và đánh giá công khai các cán bộ xử lý hồ sơ.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, dù được được Ngân hàng Thế giới đánh chỉ số cấp phép xây dựng của Việt Nam tốt nhất, nhưng đó mới là “tốt nhất trên giấy”.

Theo bà Thảo, cứ thủ tục nào về cấp phép xây dựng còn liên quan đến cơ quan quản nhà nước là đều vướng. DN có hệ thống pháp lý phía sau còn vướng, người dân còn bị vướng nữa.

“Bản thân tôi từng đi xin cấp phép xây dựng, thấy trần ai lắm. Do vậy, Bộ Xây dựng cần đánh giá ở tính thực thi. Nếu có đánh gía, điều tra ở các địa phương, sẽ tạo ra cuộc đua của các địa phương trong đồng hành cho DN”, bà Thảo nói.

MỚI - NÓNG