Chủ tịch VCCI: Điều tra, công khai nghi vấn Cty Nhật hối lộ 5 tỷ cho quan chức

Chủ tịch VCCI: Điều tra, công khai nghi vấn Cty Nhật hối lộ 5 tỷ cho quan chức
TPO - Liên quan đến nghi vấn hối lộ gần 25 triệu Yên (khoảng 5 tỷ đồng) của Công ty TNHH Tenma Việt Nam (Cty con của Tenma Nhật Bản đặt tại Bắc Ninh), trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần điều tra, xem xét và công khai nghi vấn tiêu cực này, nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, chúng ta không cho phép, phải ngăn chặn, giảm thiểu những vụ việc nguy cơ đáng tiếc như vậy. Cơ quan chức năng Việt Nam cần điều tra, xem xét và công bố công khai vụ việc tiêu cực này.

“Chúng ta luôn làm với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, giải quyết công khai với bất cứ tiêu cực, vấn đề nào trong môi trường kinh doanh. Cách làm đó mới có thể thuyết phục, tạo niềm tin các nhà đầu tư”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng khuyến nghị các nhà đầu tư nước ngoài: “DN FDI vào Việt Nam không chỉ mang công nghệ, trình độ quản trị tiến tiến, mà hãy cùng cộng đồng DN Việt Nam xây dựng một môi trường kinh doanh liêm chính, phát triển bền vững”.

Theo ông Lộc, Chính phủ Việt Nam luôn cởi mở, Thủ tướng rất quan tâm, VCCI và nhiều tổ chức khác cũng sẵn sàng lắng nghe ý kiến của DN.

“Nếu có gặp khó khăn, vướng mắc gì, nhất là tình huống sách nhiễu với DN, các DN có thể liên hệ với chúng tôi để có thể can thiệp kịp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, và trong trường hợp cần thiết có thể báo cáo với Thủ tướng”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực trong việc chống tham nhũng, nâng cao đạo đức công vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch VCCI: Điều tra, công khai nghi vấn Cty Nhật hối lộ 5 tỷ cho quan chức ảnh 1 Cty TNHH Tenma Việt Nam tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh

Khảo sát của VCCI qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, ba năm gần đây, tỷ lệ DN phải chi khoản không chính thức có giảm, nhưng vẫn còn cao khi tơi 50% số DN khảo sát cho biết vẫn phải “bôi trơn”. Đây là vấn đề cần xử lý trong thời gian tới.

Theo ông Lộc, để hạn tình trạng trên, đầu tiên là đạo đức công vụ phải đặt lên hàng đầu của đội ngũ cán bộ, công chức. Tiếp đó, là đẩy nhanh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục hành chính với người dân, DN.

“Các quy định pháp lý phải minh bạch, rõ ràng, không chồng lấn, không có những khoảng trống…vì đấy là mảnh đất màu mỡ với việc mặc cả với DN”, ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần thúc đẩy thực hiện các thủ tục qua mạng, qua trung tâm dịch vụ hành chính công. Cùng đó, cần đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng.

Ở các trung tâm dịch vụ hành chính công như ở Quảng Ninh, người dân chỉ đến một địa điểm có thể giao dịch với tất cả các cơ quan, kể cả cơ quan thanh tra, kiểm tra… cứ công khai, minh bạch nhũng nhiễu khó xảy ra.

“Thậm chí, có địa phương, sau khi hoàn tất các thủ tục, người dân có thể bấm nút để chấm điểm công chức. Cán bộ muốn được đề bạt, cân nhắc, phải trải qua khâu tiếp xúc với người dân, DN và phải được đánh giá cao mới xem xét”, ông Lộc nói.

MỚI - NÓNG