3 triệu dân sẽ dùng nước máy “uống ngay tại vòi”

Khu vực lấy nước từ sông Ðuống vào nhà máy đang được xây dựng.
Khu vực lấy nước từ sông Ðuống vào nhà máy đang được xây dựng.
TP - Giữa trưa nắng, hàng trăm công nhân đang miệt mài hoàn thiện con kênh dẫn nước từ sông Ðuống vào nhà máy nước mặt quy mô lớn ở hai xã Phù Ðổng, Trung Mầu (Gia Lâm, Hà Nội). Tháng 10 này, nhà máy sẽ khánh thành, phục vụ khoảng 3 triệu dân, đảm bảo tiêu chuẩn “uống ngay tại vòi”.

Trao đổi với phóng viên, ông Ðỗ Văn Ðịnh, giám đốc dự án, cho biết, dự kiến, nhà máy bắt đầu hoạt động vào dịp 10/10/2018 kỷ niệm 64 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Với diện tích 61,5 ha, giai đoạn 1 của dự án có số vốn gần 5.000 tỷ đồng. “Dự án hoàn thành, cấp nước thương mại từ tháng 10/2018 sẽ cung cấp nước sạch cho khoảng hơn 3 triệu dân với công suất khoảng 150.000m3/ngày đêm. Sau đó, giai đoạn 1B sẽ đưa công suất lên 300.000m3/ngày đêm. Vào năm 2025, khi dự án ở giai đoạn 2, sẽ tăng công suất lên 450.000m3, đường ống truyền dẫn dài tới 100km”, ông Ðịnh nói. Ông Ðịnh cũng cho hay, nếu có thể, sẽ thay thế nhiều đơn vị khác để cung ứng nước sạch đảm bảo cho người dân Hà Nội.

“Uống ngay tại vòi”

Theo lãnh đạo dự án nhà máy nước mặt sông Ðuống, chi phí sản xuất nước sạch bằng nước mặt cao hơn nhiều lần so với sản xuất bằng nước khoan ngầm. Ðể cạnh tranh, ông Ðịnh cho biết, nước sạch của Cty đảm bảo tiêu chí “uống ngay tại vòi”. “Chúng tôi sẽ phát triển hệ thống mạng lưới nước sạch đến tận tay người tiêu dùng, vì thế, đảm bảo uống ngay tại vòi vì quy trình sản xuất khép kín. Chúng tôi cũng khẳng định, việc lắp thêm bồn nước trên cao hay xây bể ngầm là không cần thiết nữa”, ông Ðịnh nói.

Ðể đảm bảo cam kết có nước sạch phục vụ nhân dân Thủ đô, dự án lấy dữ liệu thống kê của sông Ðuống trong vòng 25 năm qua, nghiên cứu nhiều chỉ tiêu để xây dựng công nghệ. “Cty sẽ phải trích lợi nhuận ra phối hợp với các ngành khác kiểm soát làm sao đảm bảo nguồn nước sông Ðuống ít nhất sạch như hiện nay. Ngay cả khi sông Ðuống cạn kiệt nhất, chúng tôi vẫn đảm bảo nhà máy hoạt động với công suất 900.000m3/ngày đêm. Vì thế, kênh thu nước của nhà máy được xây dựng gần với đáy sông Ðuống”, lãnh đạo dự án giải thích.

Có một khó khăn khi sử dụng nước sông Ðuống là mỗi năm đều có một khoảng thời gian sông Ðuống rất đục, vượt khỏi phạm vi xử lý công nghệ của nhà thầu. Vì vậy, nhà máy phải xây một hồ sơ lắng diện tích hơn 12ha. “Hồ này chứa được 600.000m3 nước, đảm bảo nhà máy hoạt động được 4 ngày. Nước sông Ðuống mùa đục khi vào hồ sẽ chảy lòng vòng làm độ đục giảm đi. Ðộ đục theo bản quyền công nghệ là dưới 200, nhưng chỉ tiêu của sông Ðuống thời điểm đục cao nhất lên đến gần 400. Qua hồ sơ lắng này, sẽ đảm bảo được chỉ tiêu đầu vào”, ông Ðịnh nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.