3 khả năng giải quyết chiếc máy bay bị “bỏ rơi”

3 khả năng giải quyết chiếc máy bay bị “bỏ rơi”
TP - Cục trưởng Hàng không VN cho biết cơ quan này đang soạn thảo văn bản gửi cấp Nhà nước Campuchia để tìm cách giải quyết. Dòng máy bay bắt đầu sản xuất từ thập niên 60 của thế kỷ trước.

>> Cơ quan chức năng nói gì về chiếc máy bay bị “bỏ rơi”?

Từ thông tin chính thống của Cục hàng không xác định nguồn gốc hãng hàng không sở hữu chiếc máy bay có chữ “Air Dream” là Royal Khmer Airlines (RKA), PV Tiền phong đã tìm kiếm về hãng này trên mạng.

Có một trang web về hãng hàng không trùng tên nhưng thông tin sơ sài. Ngay giao diện chính hiện dòng chữ kèm bản đồ bay “We’ll continue serving you in the skies” (tạm dịch là “Chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ quý vị”).

Trụ sở hãng này ở 36B, 245 Đại lộ Mao Trạch Đông (Mao Tse Toung), Sangkat Boeung Trabek, Khan Chamkamom, Phnom Penh (Campuchia). Lịch bay ghi rõ thời điểm bay đã cũ (từ 10/11/2006 đến 24/3/2007), trong đó có đường bay Xiêm Riệp - Hà Nội.

Theo các chuyên gia quản trị mạng thì trang web này rất nghèo thông tin. Từ điển trực tuyến Wikipedia có một số thông tin về RKA: Thành lập năm 2000, theo kế hoạch đáng lẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2001 nhưng không thực hiện được.

Phải ì ạch tới nhiều năm sau, hãng này mới bắt đầu hoạt động. Máy bay hãng này sử dụng có 8 cái Boeing loại 727-200 (Một loại máy bay phản lực thương mại cỡ vừa, thân hẹp 3 động cơ, bay lần đầu vào năm 1963). 

Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines phụ trách đào tạo-an toàn-an ninh Nguyễn Thành Trung cho biết, ông có trông thấy chiếc máy bay này nằm tại sân bay Nội Bài từ lâu và rất ngạc nhiên; nhiều khả năng tư nhân thuê bay nhưng gặp trục trặc tài chính nên bỏ máy bay lại.

Hơn nữa, chiếc máy bay này đã có tuổi thọ vài chục năm, tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu. Trên thế giới chỉ còn Hoa Kỳ dùng khai thác nội địa (vì chế độ bảo trì tốt).

Chiều 11/6, trao đổi với PV Tiền phong, Cục trưởng Hàng không VN Phạm Quý Tiêu cho biết một số phương án giải quyết về “số phận” máy bay này. Theo ông Tiêu, trường hợp đơn vị chủ quản sang lấy máy bay về thì buộc phải trả lệ phí và đáp ứng đủ điều kiện kỹ thuật của cơ quan chức năng. Theo phí trông giữ thông thường thì chủ máy bay phải trả một khoản rất cao.

Trước đây, ở Singapore có trường hợp tương tự, tiền phí trông giữ còn giá trị hơn cả máy bay. “Với chiếc máy bay này, sau khi Tiền phong nêu, chúng tôi đang chuẩn bị văn bản gửi nhà chức trách Campuchia để tìm hướng giải quyết.

Trước đây, Cục Hàng không VN đã nhiều lần gửi văn bản tới Hãng nhưng không có hồi âm. Sẽ có 3 khả năng xẩy ra: Hãng đáp ứng đủ điều kiện, trả lệ phí, lấy máy bay. Nếu lệ phí cao quá mà Hãng không đáp ứng nổi thì chỉ có cấp nhà nước với nhau mới giải quyết được.

Tính sơ sơ 1 ngày trông giữ cũng phải mất vài trăm USD. Trường hợp Hãng phá sản, Cục Hàng không Campuchia thì đã xoá sổ đăng ký máy bay, phía nhà chức trách nước bạn đồng ý để Cục hàng không VN xử lý (với điều kiện Hãng không có ý kiến gì thêm), chiếc máy bay này sẽ được trưng dụng vào công việc diễn tập cứu nạn khẩn nguy ngành hàng không Việt Nam. Đây là trường hợp đầu tiên xảy ra ở Việt Nam nên Cục giám sát chặt chẽ”, ông Tiêu nói.

MỚI - NÓNG