Chỉ mới ra đời, kẹo que đã chiếm được rất nhiều tình cảm của khách hàng. Anh tiết lộ, mô hình kinh doanh này mang lại cho anh hơn 400 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, câu chuyện về những thăng trầm đã qua của anh chàng giám đốc trẻ cũng lắm gian truân.
Đam mê kinh doanh từ … lớp học
Sinh ra trong một gia đình gốc Hoa, quan niệm “tam nam bất phú” gắn chặt với Lương từ khi cậu còn trong bụng mẹ. Cũng từ đó, Lương biết được cảm giác thiếu thốn tình thương từ ba là như thế nào. Năm 17 tuổi, Lương bắt đầu đi bán kẹo que để trang trải việc học hành.
Lương thú nhận: “Ngày ấy tôi khác bây giờ nhiều lắm, tôi cà lâm, nói ngọng, lúc đi học còn bị bạn bè cấp ba chọc là thằng vô duyên, dễ “nhảy vào họng” người khác. Họ truyền tai nhau những điều đó mỗi khi tôi định bắt chuyện. Và thế là, đứng trước đám đông, tôi chẳng thể nói được gì nữa cả!”.
Những ngày mới bắt đầu, cả buổi tối Lương chỉ bán được có 35 ngàn đồng. Không phải vì mời chào giỏi, mà vì tội nghiệp cậu nên người ta mua dùm. Cậu chẳng biết làm gì, luôn lúng túng trước người khác.
Cuối cấp ba, Lương đã có bắt đầu tự hoàn thiện mình và học hỏi tại chính nơi mình làm - nhà hàng thức ăn nhanh KFC. Tranh thủ những buổi đào tạo nhân viên, cậu cẩn thận ghi chép, quay hình lại rồi về nhà làm thành Power Point. Cậu thực hành nói trước gương mỗi ngày. Từ đó, Lương cải thiện dần khả năng giao tiếp.
Lương phát hiện mình mê kinh doanh rõ nhất khi là sinh viên năm nhất. Từ một cậu học sinh cấp 3 tự ti, bị bạn bè chê cười đến khi được khen tặng là học viên xuất sắc tại trung tâm kỹ năng, nơi mình đang theo học là cả một quá trình vươn lên của Lương.
Cũng từ đó, ước mơ biến nơi học thành ngôi nhà của mình bắt đầu hình thành. Lương trình bày ý tưởng thuê mặt bằng trên sân thượng mở quán cafe, thuyết phục được 3 bạn tại trung tâm cùng tham gia.
“Mang ý tưởng của tôi về nói cho ba biết để xin vốn, kết quả nhận được là một con số không cùng tràng cười nhạo của ba và hai anh. Ba bắt tôi học, nếu tiếp tục muốn làm thì ra khỏi nhà. Và thế là tôi ra riêng”, Lương chia sẻ.
Khi ấy, ra đi với hai bàn tay trắng, không phương tiện đi lại, cậu ngủ tại quán cafe và xoay vốn từ các mối quan hệ quanh mình để đầu tư. Khá thành công với mô hình kinh doanh này, cậu tiếp tục hợp tác với công ty tạo ra “Sân chơi kỹ năng” và quán trở thành nơi hội họp, học tập của mọi người.
Khi quán khởi sắc, có hai bạn nữ rủ Lương làm dự án nhà trọ. Thế nhưng khi ký hợp đồng, họ rút lui. Một mình Lương chịu luôn căn nhà ấy. Vận dụng kỹ năng của một sinh viên cơ khí, cậu đã tự mình mua vật tư về, tự sửa sang căn nhà thành nhiều phòng cho thuê. Việc kinh doanh này cũng khá ổn.
Ban đầu không đủ tiền ký hợp đồng, nên nhóm Lương thuê mặt bằng mở quán đóng phí hàng tháng. Khi quán khởi sắc cũng là lúc chủ nhà đòi tăng giá, bằng không thì đòi lại. Cũng thời gian đó, khi dẫn khách xem phòng trọ, đang giới thiệu về khu nhà trọ của mình rất an ninh thì cũng là lúc cậu phát hiện chiếc xe mượn của người bạn cùng làm quán café bị mất.
Khó khăn chồng chất khó khăn, cậu sinh viên trẻ cố gắng làm để dành dụm tiền đền cho bạn mình chiếc xe. Phương tiện đi lại lúc ấy của Lương chủ yếu là xe buýt. Lương cho biết: “Khi ấy hai ngày tôi ăn một đĩa cơm chỉ 11 ngàn và thật nhiều cơm miễn phí. Bạn biết niềm đam mê của tôi rồi chứ. Chỉ vì tôi muốn biến những điều mình nghĩ thành sự thật và tránh sự nhạo bán của người thân khi tôi không làm được”.
Lâm Huỳnh Thiện Lương mang lại niềm vui cho các em nhỏ với những cây kẹo que Hạnh Phúc.
Mang yêu thương vào từng que kẹo
Lăn lộn và trưởng thành qua 20 ngành nghề khác nhau như phục vụ, bảo vệ, chùi toilet, gia sư, MC, cộng tác viên báo chí,… Lương mới quay trở về với ước mơ tự mở cơ sở sản xuất kẹo của riêng mình. Nhiều năm cậu học tập cách làm kẹo từ dì của mình. Lương còn chủ động tìm tòi, học hỏi cách làm kẹo theo công nghệ Nhật Bản.
Chàng giám đốc trẻ chia sẻ: “Với chúng tôi, kẹo không đơn giản là kẹo. Chúng tôi thổi hồn vào từng cây kẹo từ ba điều: người làm ra sản phẩm; sản phẩm và người bán sản phẩm. Cuộc sống nâng cao, dịch vụ ngày càng tăng cao, và kẹo của chúng tôi, không chỉ là một ngành sản xuất mà nó còn là một ngành dịch vụ - điều mà tôi luôn muốn tạo ra”.
Cơ sở Kẹo que Hạnh phúc Thiện Lương còn chọn những người khuyết tật, những người mồ côi có hoàn cảnh khó khăn để tạo việc làm cho họ. Như nhiều khách hàng của kẹo que này chia sẻ “Kẹo thật dễ thương, thật khác so với những sản phẩm kẹo mà tôi biết – bởi nó có hình thù rất sinh động”.
Cơ sở kẹo que của Lương còn chịu trách nhiệm thiết kế kẹo theo mẫu mã khách yêu cầu. Chia sẻ một trong những bí quyết làm nên thương hiệu Kẹo que Hạnh phúc Thiện Lương - chàng giám đốc trẻ cho biết: “ Không dừng lại ở hương vị, mẫu mã mà chúng tôi còn chú trọng ở khâu tiếp thị. Người bán sản phẩm cũng phải thật khéo. Chúng tôi nỗ lực tạo dựng một thương hiệu kẹo với những người bán hàng linh động, thân thiện để làm vừa lòng khách hàng.
Tiêu chí được làm nhân viên bán kẹo là có duyên bán hàng. Chúng tôi cung cấp thông tin sản phẩm rồi yêu cầu ứng viên thử bán hàng xem sao. Việc bán hàng rất quan trọng vì chạm đến cảm xúc của khách. Nếu chỉ vô tình làm mất lòng khách thì sẽ ảnh hưởng đến cả một thương hiệu dày công gây dựng”, Lương nói.
Thiện Lương cho biết, anh còn nhận những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn vào lực lượng bán kẹo. Ban đầu, anh tặng mỗi em một giỏ kẹo để khi bán hết các em tiếp tục có vốn kinh doanh. Để tạo sự thiện cảm và tin tưởng từ khách hàng, Lương xây dựng hệ thống đồng bộ như đồng phục, túi bao tử để trả lại tiền cho khách, danh thiếp cùng một giỏ kẹo có thiết kế bắt mắt.
Chàng giám đốc trẻ cho biết, anh vẫn đánh mạnh vào sản phẩm độc quyền là kẹo que, sau này sẽ phát triển thêm kẹo dẻo. Bên cạnh đó, anh đang xây dựng thị trường Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Sóc Trăng…
Sắp tới đây, cơ sở Kẹo que Hạnh phúc Thiện Lương sẽ nghiên cứu và cho ra đời loại kẹo dẻo. Đồng thời, hai nhân vật đại diện là Bibu và Xuki sẽ xuất hiện nhiều hơn không chỉ với câu slogan “Trao ngọt ngào, gửi yêu thương” và còn là những câu chuyện thú vị mà thương hiệu kẹo que này sẽ mang lại cho khách hàng.
Theo Ngọc Hân