2016 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử

Năm 2016 có thể thiết lập kỷ lục mới về nhiệt độ. Ảnh: BBC.
Năm 2016 có thể thiết lập kỷ lục mới về nhiệt độ. Ảnh: BBC.
Các nhà khoa học chắc chắn tới 90% năm 2016 sẽ phá vỡ kỷ lục của năm 2015, trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu 9 tháng đầu năm 2016 tăng lên 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cao hơn 0,11°C so với kỷ lục nhiệt độ thiết lập vào năm ngoái và cao hơn 0,88°C so với nhiệt độ trung bình 14°C trong giai đoạn 1961-1990, theo bản báo cáo phát hành hôm 14/11 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).

WMO cho biết, nhiệt độ các tháng cuối năm 2016 được dự đoán vẫn giữ ở mức cao. Các nhà khoa học ước tính khả năng năm 2016 sẽ trở thành năm nóng nhất trong lịch sử là 90%. Nguyên nhân có thể do tác động của hiện tượng El Nino, nhưng yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy nhiệt độ không ngừng gia tăng là lượng khí thải CO2.

"Một năm khác, một kỷ lục khác. Nhiệt độ cao từng được thiết lập vào năm 2015 sẽ bị phá vỡ trong năm 2016. Tại một số vùng của nước Nga ở Bắc Cực, nhiệt độ đã tăng lên khoảng 6°C đến 7°C so với mức trung bình nhiều năm. Một số vùng khác như Alaska, Mỹ, và phía tây bắc Canada, nhiệt độ cao hơn ít nhất 3°C so với mức trung bình", BBC dẫn lời Petteri Taalas, tổng thư ký của WMO.

Báo cáo của WMO nhấn mạnh, kỷ lục các chỉ số biến đổi khí hậu dài hạn khác cũng đang bị phá vỡ. Lượng khí thải nhà kính trong khí quyển không ngừng gia tăng trong năm 2016. Băng trên biển Bắc Cực tiếp tục tan chảy với số lượng lớn. Dải băng trên đảo Greenland bắt đầu tan chảy vào thời điểm rất sớm trong năm nay.

2016 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử ảnh 1

Sự thay đổi của nhiệt độ trung bình toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp đến nay. Ảnh: WMO.

"Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự xuất hiện và tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan trên thế giới đang tăng lên. Nắng nóng và lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn. Mực nước biển gia tăng kết hợp với nước dâng do bão gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng", Taalas nói.

Năm 2015, tại Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu COP21 tổ chức ở Paris, Pháp, chính phủ các quốc gia cam kết giữ nhiệt độ của Trái Đất không tăng quá 2°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nay khoảng 15°C.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG