200 doanh nghiệp công nghệ và máy móc trên thế giới tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - 200 nhà sản xuất, phân phối, các hãng công nghệ, máy móc đến từ 20 quốc gia sẽ góp mặt tại “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản” (SIE) và “Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam” lần thứ 14 diễn ra từ ngày 9-11/8/2023 tại Hà Nội.

Ngày 20/6, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản - JETRO và Công ty RX Tradex Việt Nam tổ chức họp báo và ký thỏa thuận hợp tác tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (SIE) lần thứ 10 tại Hà Nội và Triển lãm công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME) lần thứ 14.

Tại họp báo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy, và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.

Theo ông Phú, 2 triển lãm trên, với sự tham gia của 200 nhà sản xuất, phân phối, các hãng công nghệ, máy móc từ 20 quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản và ngược lại.

Theo ông Phú, những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế và ngành công nghiệp của đất nước. Doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường.

“Việt Nam đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo”, ông Phú cho hay.

Theo khảo sát của JETRO, với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở để phát triển một nền công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững. Tỷ lệ thu mua nguyên liệu, link kiện, phụ tùng của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng từ 28% cách đây 10 năm lên 37% vào năm 2022. Dù tỷ lệ này đã tăng nhưng vẫn còn rất chậm so với tốc độ phát triển kinh tế của hai nước. Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE) sẽ là sáng kiến tốt giúp tăng cơ hội giao thương và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các doanh nghiệp công nghiệp trong và ngoài nước.

MỚI - NÓNG