20 giờ trong tâm dịch sởi Piềng Cọc

Chăm sóc bệnh nhi tại bệnh viện dã chiến lập ở điểm trường khối tiểu học Piềng Cọc, huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Nhật Lân
Chăm sóc bệnh nhi tại bệnh viện dã chiến lập ở điểm trường khối tiểu học Piềng Cọc, huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Nhật Lân
TP - Vào Piềng Cọc, bản nghèo của xã biên giới Mai Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), nơi có dịch sởi bùng phát và cùng ăn cùng ở với dân bản, mới thấy hết cái khó, cái khổ của người dân nơi đây khi dịch bệnh hoành hành. Đến hôm qua, 16/10, ổ dịch sởi tại Piềng Cọc đã được khống chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát.

Nơi ‘‘Sơn cùng, thủy tận’’

Phó Chủ tịch huyện Tương Dương Vi Tân Hợi nói: “Phát hiện ổ dịch, chúng tôi sớm có phương án cách ly các bệnh nhi để điều trị, huy động tối đa trang thiết bị y tế, cử đoàn bác sỹ vào cắm bản để chữa bệnh cho các cháu.

Ngay tại điểm trường khối tiểu học Piềng Cọc, xã Mai Sơn, một bệnh viện dã chiến được dựng lên để phục vụ công tác chống dịch!”. Cảm thấy “sức nóng” của sự kiện, tôi chuẩn bị hành trang lên đường vào Mai Sơn, vùng tâm dịch, xã xa nhất miền rẻo cao Tương Dương. Nơi đó, mây tím trời. 

Hỏi đường đi Piềng Cọc, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Tương Dương, anh Trần Văn Công nói rằng giờ này đã hơn 11h, chỉ có thuê thuyền theo đường thủy lòng hồ Bản Vẽ hết khoảng 4 tiếng hoặc đi đường bộ ngược Kỳ Sơn rồi vòng xuống Piềng Cọc hết hơn 3 tiếng. Vào chốn núi cao thâm u, để đỡ cô quạnh, tôi chọn đi đường bộ.

13h30 ngày 14/10, tôi lên đường cùng với một cựu chiến binh ở thị trấn Hòa Bình hành nghề xe ôm. Qua thị trấn Mường Xén, các xã núi Tà Cạ, Phà Đánh, Huồi Tụ, Mỹ Lý rồi xuôi xuống Mai Sơn. Để vào trung tâm xã Mai Sơn, là bản Huôi Xá phải đi đò qua sông Nậm Nơn tại trạm biên phòng Nhôn Mai, đóng ở bản Huôi Mựn.

Và vào Piềng Cọc, nơi đồng bào Mông sinh sống phải mất thêm gần 1 tiếng đồng hồ. Piềng Cọc là miền núi cao, hơn 6 giờ chiều nhưng trời đã tối sầm sập và se sắt lạnh. 

Cũng như toàn xã Mai Sơn, Piềng Cọc hiện chưa có điện lưới mà sử dụng điện nước của máy thủy điện nhỏ do bà con dân bản đặt dọc khe, suối. Dưới ánh sáng nhạt, yếu ớt, hai bác sỹ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An dù mệt mỏi bởi chặng đường xa ngái nhưng đã khẩn trương cùng các cán bộ y bác sỹ Tương Dương kiểm tra tình hình bệnh cho từng cháu. Các cháu nhỏ trong độ tuổi từ 1 - 14, được bố trí điều trị trong 2 phòng học.

Một phòng gồm 7 cháu đang bị bệnh nặng và phòng còn lại 9 cháu đã cơ bản ổn định. Theo bác sỹ người Mông Và Bá Tủa - Trạm trưởng Trạm y tế Nhôn Mai được điều động sang giúp đỡ Mai Sơn, từ ngày 10 - 12/10 có tới 3 phòng điều trị bởi lúc đó có 48 cháu bị bệnh. Sau khi được các y bác sỹ tập trung kiểm tra xác định bệnh, cho thuốc chữa có 32 cháu đã thuyên giảm hẳn, được cho về nhà để theo dõi.

20 giờ trong tâm dịch sởi Piềng Cọc ảnh 1

Toàn cảnh điểm trường khối tiểu học Piềng Cọc 

Trong đêm 14/10, các cháu nhỏ dù còn rất mệt, nhưng hầu hết đã cắt cơn sốt cao. Nhiều trường hợp bên ngoài da nổi những vết mẩn đỏ, một số bệnh nhân bị ho nặng, đau mắt đỏ, tiêu chảy... Tôi tranh thủ hỏi chuyện cán bộ phụ trách bệnh viện dã chiến ở Piềng Cọc là bác sỹ Lô Văn Hùng - Khoa Nội nhi Bệnh viện Đa khoa Tương Dương.

Bác sỹ Hùng kể, 9 giờ sáng ngày 10/10 thì nhận được chỉ đạo của huyện, tập trung người, chuẩn bị một cơ số thuốc rồi lên đường. Đến 21h thì đến được Piềng Cọc.

Lúc này, các bệnh nhân có biểu hiện sốt li bì. Vừa khám và sử dụng thuốc cho các cháu, đoàn công tác vừa liên lạc với huyện để thành lập một phòng khám dã chiến ngay tại điểm tiểu học khối Piềng Cọc. Tình trạng chung là trẻ sốt cao, lại bị chảy nước mắt, phát ban, có hạt Korphil hai bên thành họng.

“Sau khi hội ý, báo cáo về Trung tâm y tế, bệnh viện, dù chưa có kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nhưng chúng tôi chẩn đoán các cháu bị sởi để cho sử dụng thuốc hợp lý. Lên đây 5 ngày, thì cả 5 ngày tất cả thành viên của đoàn đều cùng ăn, cùng ngủ với các cháu. Và đêm nay cũng vậy”, bác sỹ Hùng nói.

Gần nửa đêm, chúng tôi được bố trí nghỉ ở một phòng học sát kề phòng các cháu bị bệnh nặng. Giữa chốn sơn cùng thủy tận, “giường” là manh chiếu mỏng trên nền gạch, mấy tấm chăn mỏng mảnh, các lọ dịch truyền được treo lủng lẳng trên vách gỗ. Bác sỹ Và Bá Tủa, y sỹ Kha Văn Đậu nằm kế bên, trùm chăn kín mặt để chống muỗi phân bua về cái sự khó ở nơi heo hút này.

Rồi nói: “Các anh cố gắng chợp mắt chứ chúng tôi chỉ nằm vậy thôi. Lát nữa lại phải dậy kiểm tra cho các cháu”. Càng về khuya, Piềng Cọc càng lạnh. Phòng bên, các cháu nhỏ thi thoảng lại ho, khóc gắt. Mỗi lần như vậy, bác sỹ Tủa, y sỹ Đậu lại trở dậy, chạy sang khu điều trị thăm khám, kiểm tra cho từng bệnh nhi.

Tiềm ẩn nguy cơ dịch tái phát

Từ khi bệnh viện dã chiến được thành lập, trong phạm vi bản Piềng Cọc đã “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Phòng lây bệnh, trẻ em là người bản Piềng Cọc học THCS tại trung tâm xã phải ở lại nội trú, không được phép về nhà; các cháu đã lỡ về thì tạm chưa trở lại trường. Điểm tiểu học khối Piềng Cọc cũng ngừng dạy.

“Việc học của các cháu chỉ tiếp tục khi mọi người khỏe lên, nạn dịch được dập tắt hoàn toàn!”, Phó Chủ tịch huyện Vi Tân Hợi cho hay. Theo Giám đốc Trung tâm y tế huyện, ông Phạm Phúc Dương, Tương Dương phải làm như vậy là bởi ngoài việc tập trung chữa trị cho các cháu bị bệnh, cần khẩn trương sử dụng mọi biện pháp để chống lây lan dịch bệnh sang các bản khác.

Dịch bệnh tại Piềng Cọc có nguồn gốc từ đâu? Theo bác sỹ Và Bá Tủa, thì dịch bệnh di cư từ Lào sang. Từ khoảng tháng 8/2014, hai bản Phá Đánh, Póm Bái xã Phá Đánh của nước bạn Lào đã có dịch phát ban. Ở bản Phá Đánh có 4 bệnh nhi tử vong; bản Póm Bái có 17 cháu. Hai bản này chỉ cách Piềng Cọc một ngọn núi, đi bộ hết gần 3 giờ đồng hồ.

Ngày 22/9, có hai vợ chồng ở bản Phá Đánh đã đưa 2 đứa con bị bệnh sang Nhôn Mai nhờ bác sỹ Và Bá Tủa chữa bệnh. Để đến Nhôn Mai, 2 vợ chồng này đã ngủ lại Piềng Cọc. Được điều trị 5 ngày tại Nhôn Mai, 2 cháu này đã khỏi và được bố mẹ đưa về lại Piềng Cọc ngủ một đêm rồi mới trở về Phá Đánh.

“Tôi nghĩ dịch sốt ở Piềng Cọc có nguyên nhân từ đó”, bác sỹ Tủa nói. Cán bộ y tế bản Piềng Cọc, anh Và Bá Xềnh cũng đồng tình với nhận định của bác sỹ Và Bá Tủa. 

Bản Piềng Cọc có 52 hộ, 375 khẩu. Bản làng heo hút nằm trên một vùng núi cao, biệt lập, đường giao thông đi lại hết sức khó khăn. Khí hậu ở đây khắc nghiệt, nóng lạnh bất thường cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Đời sống người dân địa phương rất nghèo, mọi sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Như các cháu nhỏ mang bệnh sốt cao, sức khỏe suy kiệt, cần mặc đủ ấm nhưng phần lớn chỉ mang trên mình manh áo mỏng. Bữa ăn ngoài cơm là quả đậu chấm muối và nước đậu luộc. 

20 giờ trong tâm dịch sởi Piềng Cọc ảnh 2

Trong thời gian ở Piềng Cọc, chúng tôi đã được dùng một bữa cơm tại nhà trưởng bản Và Xái Chò để hiểu thấu điều này. Trong căn nhà nền đất, lợp mái gỗ đen bóng đặc trưng của đồng bào Mông, chẳng có chút vật dụng gì có giá trị. Và Xái Chò sinh năm 1983, vợ là Già Y Nanh sinh năm 1986. Còn trẻ là vậy mà Chò và Nanh có với nhau 5 mặt con, từ 4 đến 12 tuổi.

Trong đợt dịch, các cháu Và Y Ya (4 tuổi), Và Y Lya (5 tuổi), Và Bá Kía (7 tuổi) bị sốt cao. Sau khi được điều trị, các con anh bệnh đã thuyên giảm. Bí thư chi bộ Piềng Cọc, anh Và Bá Lầu cũng có con bị bệnh. Con của Và Bá Lầu bị sốt cao vào ngày 6/10, sau đó cháu bị ho nhiều và tiêu chảy. Rất lo cho con, đêm đêm Và Bá Lầu cứ bám riết phòng bệnh, rồi ngủ luôn cùng con.

Và khi trò chuyện, Lầu cũng thấy được những sơ sót của gia đình với con mình. Là người hết sức tận tâm với đồng bào nhưng bác sỹ Và Bá Tủa không đồng tình với cách sinh hoạt của người dân Piềng Cọc.

Bác sỹ Tủa nói: “Khó quá! Thiết bị, nhân lực y tế sơ sài, nghèo nàn. Người dân Piềng Cọc quá nghèo lại hạn chế về nhận thức. Cách thức sinh hoạt chưa thay đổi. Vệ sinh tổng thể thôn bản đã kém, vệ sinh cá nhân cũng kém nốt. Như vậy thì công tác phòng chống dịch bệnh còn gian nan và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng nổ, tái phát”.

 Dịch sởi bùng nổ tại xã Mai Sơn (Tương Dương, Nghệ An) đã làm 48 cháu bé bị nhiễm bệnh, trong đó có một trẻ tử vong là Và Bá Nù (18 tháng tuổi), con của Phó bản Piềng Cọc Và Bá Chờ.

Chiều qua, 16/10, Phó Chủ tịch huyện Tương Dương Vi Tân Hợi cho biết hầu hết các bệnh nhi đã bình phục, hiện đang theo dõi trường hợp của Và Y Ồng, Và Y Ìa. Hai bé gái này có thể xuất viện trong ngày hôm nay.

 Trưa 15/10, Piềng Cọc đón đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Lúc này, 16 bệnh nhi còn lưu tại bệnh viện dã chiến trong trường học chỉ còn lại 3 cháu bị sốt nặng. Những bệnh nhi còn lại đã tỉnh táo, thậm chí có cháu đã đi lại được trong sân trường. Đi cùng đoàn có Trưởng khoa dịch tễ của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đàn.

Ông Đàn cho biết, từ khi Piềng Cọc có dịch, ông đã cùng các cán bộ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh lấy 16 mẫu thử để đem về kiểm tra xét nghiệm. Và đến nay kết quả, 12/16 mẫu thử dương tính. Có nghĩa là đã khẳng định, Piềng Cọc là tâm dịch sởi.

Và vì vậy, Đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngoài tham gia các vấn đề chuyên môn, yêu cầu Trung tâm y tế Tương Dương, bằng mọi biện pháp không để dịch lây lan sang nơi khác như bản Na Kha, Phá Kháo (xã Mai Sơn) và các xã khác gần vùng tâm dịch...

MỚI - NÓNG