2 tỷ USD phân bón lãng phí mỗi năm

Cùng với rủi ro hàng giả, kém chất lượng, việc sử dụng phân bón tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là còn nhiều lãng phí.

Phát biểu tại Hội thảo quốc gia "Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam" cuối tuần qua, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn) - Trần Xuân Định cho biết Việt Nam hiện có 26 triệu ha đất nông nghiệp, tương đương với nhu cần phân bón khoảng 10,3 triệu tấn mỗi năm. Trong số này, doanh nghiệp trong nước tự sản xuất được khoảng 8 triệu tấn, còn lại là nhập khẩu.

2 tỷ USD phân bón lãng phí mỗi năm ảnh 1

Theo các chuyên gia, một thực trạng đáng lo ngại là lâu nay, Việt Nam gần như không đào tạo nông dân sử dụng phân bón.

Đại diện cơ quan quản lý cho biết hiện có hơn 5.000 loại phân bón có trong danh mục do số lượng quá nhiều nên không thể truy xuất được nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp. Qua phân tích cho thấy, trong năm 2013, có tới hơn 50% số lượng mẫu phân bón không đạt yêu cầu hoặc một số chỉ tiêu không đạt như công bố trên nhãn.

Còn theo ông Nguyễn Hạc Thuý – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 1960 đến nay, phân bón đã giúp cây trồng tăng năng suất từ 35-40%, nhưng ngành này vẫn phải đứng trước thách thức về tình trạng hàng giả, kém chất lượng. "Thậm chí có cơ sở chỉ lấy mấy thìa urê pha vào can 5 lít nước rồi bán với giá 50.000 đồng một can cho nông dân ở Tây Nguyên, Phú Yên, Yên Bái... Hay việc nhiều công ty kinh doanh bán ra thị trường các sản phẩm phân bón nhập khẩu nhưng khi bị bắt, thì mới hay toàn là bột gạch, bột đá, đất sét, bột cao lanh..".

Không chỉ sản xuất phân bón kém chất lượng, việc sử dụng phân bón hiện cũng rất lãng phí. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt trung bình 45-50% với phân đạm, 25-35% với lân, 60% với kali. Như vậy, nếu tính chung hiệu suất sử dụng phân bón hoá học là 50% thì mỗi năm Việt Nam lãng phí khoảng 2 tỷ USD từ phân bón.

Đó là chưa kể việc sử dụng phân bón không đúng cách, đúng liều lượng còn làm tăng dịch bệnh, dẫn tới phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn, kéo theo tình trạng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sử dụng phân bón không hiệu quả, như do địa hình, đất đai, khí hậu không thuận lợi; công nghệ sản xuất lạc hậu; tư duy nặng về số lượng, năng suất dẫn tới nông dân thường bón phân nhiều gấp 2-3 lần so với nhu cầu; ít nghiên cứu và khuyến nông về phân bón… Đặc biệt là sự thiếu trách nhiệm, thậm chí vô lương tâm của một số nhà sản xuất, kinh doanh phân bón đang xảy ra khá phổ biến.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại là lâu nay, Việt Nam gần như không đào tạo nông dân sử dụng phân bón. Tổng hợp kế hoạch từ năm 2011-2013, cả nước có 29 dự án khuyến nông thuộc lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật với tổng đầu tư hơn 153 tỷ đồng, nhưng không có dự án khuyến nông nào về phân bón, đồng nghĩa với việc không có khóa đào tạo nào về phân bón cho nông dân.

Ngay cả nghiên cứu, trong rất nhiều năm, Việt Nam cũng chỉ có 2-3 đề tài, còn ở hầu hết các trường đào tạo thì bỏ luôn cả ngành hướng dẫn sử dụng phân bón vì quan niệm: Việc bón phân quá dễ, nông dân có thể tự học của nhau cũng làm được.

Theo Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.