Công nghệ tàng hình trở nên nổi tiếng thế giới sau chiến dịch 'Bão táp sa mạc' vào đầu năm 1991 khi Mỹ tấn công Iraq. Suốt 6 tuần liền, các phi đội cường kích F-117A Nighthawk (Chim ưng đêm) bình thản vượt qua hệ thống phòng không dày đặc của Iraq, ồ ạt tấn công các mục tiêu ở Baghdad rồi trở về căn cứ an toàn.
Kết cục khiến quân đội Iraq phải triệt thoái vô điều kiện khỏi Kuwait đã chứng tỏ ưu thế vượt trội của kỹ thuật tàng hình, làm mạng lưới radar của đối phương 'có mắt như mù'.
Thế nhưng việc quân đội Nam Tư bắn hạ một chiếc F-117A vào cuối tháng 3/1999 - chiến dịch oanh kích của NATO vào Nam Tư - đã thay đổi ưu thế lịch sử này.
Một chiếc F-117A
Đại tá Zoltan Dani, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Phòng không 25 của quân đội Nam Tư, thuật lại trong một buổi trả lời phỏng vấn truyền hình vào năm 2007:
'Thời cơ chỉ diễn ra trong khoảnh khắc kéo dài khoảng 17 giây, đúng vào thời điểm chiếc F-117A mở khoang chứa bom chuẩn bị ném xuống thủ đô Belgrade.
Đây chính là lúc tính năng tàng hình tối ưu bị vô hiệu hóa, tức thì tôi hạ lệnh khai hỏa phóng cặp tên lửa hướng tới mục tiêu.
Quả đầu trúng cánh, còn quả thứ hai ngay giữa thân khiến chiếc phi cơ rơi tại chỗ. Đây cũng chính là máy bay sử dụng công nghệ tàng hình đầu tiên bị bắn rơi trong lịch sử quân sự thế giới'.
Xác chiếc phi cơ tối tân đắt tiền rơi xuống cánh đồng làng Budanovci, thuộc tỉnh Vojvodina phía bắc Belgrade, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Belgrade ở Cộng hòa Serbia.
Trung tá Dale Zelko lái chiếc F-117A đã may mắn được trực thăng của Mỹ ứng cứu kịp thời.
Đặc biệt hơn là sau khi cuộc chiến Nam Tư kết thúc, giữa 2 nhân vật 'kỳ phùng địch thủ' là Đại tá Dani người Serbia và Trung tá Zelko người Mỹ đã hình thành tình bạn hữu hảo.
Tên lửa P-125 Pechora đã hạ gục chiếc F-117A
Nguyên lý hoạt động của radar phòng không là phát lên trời chùm xung vô tuyến với cường độ lớn, khi gặp vật thể hoặc chướng ngại vật, sóng vô tuyến sẽ phản xạ về máy thu.
Để máy bay có thể 'biến mất' khỏi màn hình radar, các nhà thiết kế Mỹ tạo hình dáng cùng kết cấu đặc biệt cho các kiểu phi cơ tàng hình nên chúng luôn có hình dáng 'kỳ dị'
Ví như cường kích tàng hình F-117A của Lockheed Martin có phần thân giống một ngôi kim tự tháp thu nhỏ còn phần cánh đuôi gấp khúc giống hình chữ V.
Còn máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit của Northrop Grumman lại giống con dơi khổng lổ không có cánh đuôi còn 2 sải cánh chính được kéo dài bất thường…
Những kiểu thiết kế độc đáo này khiến sóng radar bị 'trượt' đi theo hướng khác, thậm chí hấp thụ triệt tiêu sóng phản xạ làm cho hình dáng phi cơ không tồn tại trên màn hình radar.
Ngoài ra, các nhà thiết kế còn sử dụng vật liệu có tính hấp thụ mạnh như sợi carbon dệt thành tấm mỏng, cao su chịu nhiệt… làm vỏ máy bay, giúp triệt tiêu sóng radar, cách nhiệt…
Thế nhưng, với những công nghệ tối tân, giá thành đắt đỏ, chiếc phi cơ tưởng như hoàn toàn 'vô hình' vẫn không thể thắng nổi đôi mắt tinh tường của những chiến sĩ phòng không dày dạn kinh nghiệm.