Con số đó tương đương với 500 lít nước. Đây là lượng nước mất đi hằng ngày cao nhất trong số các động vật trên cạn.
Voi càng mất nước khi thời tiết nóng
Voi vốn đã có nguy cơ tuyệt chủng, việc mất nước do thời tiết nóng có thể dẫn đến tỷ lệ sinh thấp hơn, mất sữa cho voi con và tử vong do mất nước. Voi cần uống hàng trăm lít nước mỗi ngày, nhưng đến giờ vẫn chưa rõ biến đổi khí hậu sẽ thay đổi nhu cầu nước của chúng như thế nào.
Vì vậy, trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu do nhà sinh học bảo tồn Corinne Kendall dẫn đầu đã xem xét 5 con voi xavan châu Phi (Loxodonta africana) tại Vườn thú Bắc Carolina.
Trong vòng 3 năm, nhóm nghiên cứu đã sáu lần cho voi ăn deuterium - một phiên bản nặng hơn của hydro, vô hại, tan trong nước cơ thể và có thể truy vết trở lại trong chất lỏng voi thải ra. Các nhà khoa học thường xuyên lấy mẫu máu trong 10 ngày sau khi cho voi ăn deuterium để xem lượng còn lại mỗi lần, từ đó tính tốc độ đào thải nước trong cơ thể voi.
Kết quả thật "đáng kinh ngạc", Kendall nói. Ở nhiệt độ mát mẻ (từ 6°C đến 14°C), voi đực mất trung bình 325 lít nước mỗi ngày. Nhưng ở khoảng 24°C, chúng mất đi trung bình 427 lít, và đôi khi lên đến 516 lít, nhóm nghiên cứu viết trên Tạp chí Royal Society Open Science.
400 đến 500 lít nước như vậy tương đương với 10% tổng lượng nước trong cơ thể voi - hoặc lên đến 7,5% khối lượng cơ thể. Rebecca Rimbach, nhà sinh lý học sinh thái học ở Đại học Duke, cho biết, có một con voi thậm chí mất gần 9% khối lượng cơ thể chỉ trong một ngày.
Tuy nhiên, vì voi liên tục bổ sung chất lỏng bị mất thông qua uống, ăn và quá trình trao đổi chất, lượng nước mất đi thực tế hằng ngày của voi sẽ thấp hơn. Nhìn chung, voi phải uống nước ít nhất 2 đến 3 ngày một lần để tránh “mức độ mất nước đến mức nguy hiểm”, Rimbach nói.
Đáng lo ngại là khi nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng cao, voi sẽ cần uống nhiều nước hơn. Nhưng cũng do nhiệt độ tăng, nước ngày càng khan hiếm, các hố nước khô dần và các cây giàu nước trở nên khó kiếm hơn.
Đồng tác giả nghiên cứu, Erin Ivory, nhà hành vi học tại Sở thú Bắc Carolina, cho biết, tác động kép này còn có thể làm trầm trọng thêm xung đột giữa voi hoang dã và quần thể con người, khi voi tấn công mùa màng hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng nước ngầm, những cuộc đối đầu bạo lực có thể gây tử vong cho cả người và voi.
Và những thú vụ về voi mà không phải ai cũng biết
Trung bình, kích thước tai của một con voi châu Phi và một con voi châu Á rất khác nhau. Tai voi châu Phi lớn hơn ba lần so với voi châu Á.
Voi châu Phi có xu hướng sử dụng đôi tai dài của chúng vì những lý do như báo hiệu hoặc bảo vệ cho những con khác.
Những con voi cái dành toàn bộ cuộc đời chúng cho gia đình của mình bao gồm các bà mẹ, bà, cô, chị em và các con gái, một con voi cái trưởng thành thường dẫn đầu cả đoàn. Voi đực trưởng thành thì lại thích sống một cuộc sống độc thân hơn.
Cả voi châu Phi và châu Á đều sử dụng đôi tai của mình như một chiếc điều hòa để điều hòa thân nhiệt trên cơ thể.
Ngà của voi chính là phát triển từ... răng cửa
Ngà của một con voi phát triển từ những chiếc răng cửa trong suốt cuộc đời chúng. Những chiếc ngà của một con voi trưởng thành có thể phát triển thêm 7 inch (17cm) mỗi năm.
Ngà voi được sử dụng để tìm muối, nguồn nước và rễ cây , gỡ các bụi cây, phát quang đường đi và đôi khi được sử dụng trong chiến đấu. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng vào việc đánh dấu cây cối để thiết lập lãnh thổ của một con voi.
Mặc dù có đôi tai lớn nhưng thính giác của voi lại rất kém. Chúng có thể sống đến 70 năm.
Vòi của chúng không có xương. Hơn 150.000 cơ bắp và dây thần kinh cung cấp sự linh hoạt cho chiếc vòi của chúng.
Ngoài ra, một con voi làm đầy chiếc vòi của nó tối đa 5 lít nước và sau đó đổ nó vào miệng để uống. Con voi lắng nghe bằng đôi chân cũng như đôi tai của nó.
Loài động vật có vú lớn này có thể uống tới 80 gallon nước trong một ngày.