Khối băng hàng tỷ tấn này đã đi theo một lộ trình quen thuộc, hướng ra Nam Đại Tây Dương tới lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Nam Georgia, hòn đảo nhỏ có nhiều tảng băng trôi lớn nhất tan chảy. Tảng băng này đã bị mắc kẹt ở những vùng nước nông và bị tan ra dần dần. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, tảng băng khổng lồ này bị vỡ thành vô số mảnh nhỏ và hầu như đã biến mất.
Năm 2017, tảng băng này đã nứt ra khỏi tảng băng Larsen C trên Bán đảo Nam Cực và là một trong những tảng băng trôi lớn nhất từ trước đến nay. Vào thời điểm đó, nó có diện tích 5.800 km2 , tương đương kích thước của tiểu bang Delaware của Mỹ.
Sau đó, tảng băng khổng lồ này được phân thành nhiều mảnh nhỏ để theo dõi. Trung tâm Băng học Quốc gia của Mỹ theo dõi các tảng băng trôi dài ít nhất 18,5 km hoặc có diện tích ít nhất 20 hải lý vuông (68,5 km vuông). Mảnh lớn nhất của Larsen C diện tích chỉ còn 5,5 km x 3,7 km vào ngày 16/4 năm nay và không còn giá trị để theo dõi.
Nhờ có nhiều hình ảnh vệ tinh, có thể thấy rõ khi tảng băng khổng lồ lần đầu tiên bắt đầu nứt ra dưới sự căng thẳng của chuyển động (chỉ một tuần sau khi nó thoát ra khỏi thềm băng). Các nhà khoa học có thể nhìn thấy các vết nứt trên băng và sự chênh lệch nhiệt độ trong nước quanh nó.
Hiện các nhà nghiên cứu cũng đang làm việc để tìm hiểu việc tảng băng này tan biến có ảnh hưởng gì đến các hệ sinh thái xung quanh nó, mặc dù khí hậu khắc nghiệt của Nam Cực đã khiến công việc này trở nên khó khăn.