1001 thắc mắc: Tàu ngầm chứa vũ khí khủng thế nào, sao lặn không sâu như trước?

Để tàu ngầm có thể lặn sâu chi phí phải bỏ ra rất lớn.
Để tàu ngầm có thể lặn sâu chi phí phải bỏ ra rất lớn.
TPO - Tàu ngầm - sát thủ đại dương với khả năng lặn sâu, mang kho vũ khí kinh hoàng đã trở thành một phần không thể thiếu cho lực lượng hải quân các quốc gia trên thế giới. Nhưng tại sao, giờ đây, các tàu ngầm không thiết kể để lặn quá sâu như trước kia?

Để tránh sự theo dõi của các thiết bị săn ngầm, tàu ngầm cần lặn xuống một độ sâu nhất định. Do đó năng lực lặn sâu của tàu ngầm cũng là một tiêu chí quan trọng trong sự phát triển tàu ngầm.

Cho đến hiện nay, tàu ngầm lặn sâu nhất phải kể đến tàu ngầm hạt nhân lớp M của Nga. Nó có thể chịu được áp suất nước ở độ sâu 1000m. Con tàu ngầm hạt nhân lớp M duy nhất được chế tạo có phiên hiệu là K-278 và từng tạo kỷ lục lặn sâu 1020m.

Để tàu ngầm có thể lặn sâu đến mức đó, chi phí phải bỏ ra rất lớn. Để thích ứng với các yêu cầu của vùng biển sâu, thân tàu phải sử dụng các vật liệu hợp kim đắt tiền như 48-T để chịu được áp suất lớn. Ngoài ra tàu còn phải thiết kế 2 lớp vỏ và việc này cũng tiêu tốn thêm không ít tiền. Có thể do vấn đề chi phí quá đắt đỏ nên chỉ có duy nhất một tàu ngầm loại này ra đời.

Nước Mỹ cũng nghiên cứu chế tạo một tàu ngầm lớp Sea Wolf có thể lặn sâu hơn 600m. Con tàu này không những có thể lặn sâu mà còn trang bị rất tiên tiến, đương thời được xem là tàu ngầm hạt nhân tấn công mạnh nhất thế giới.

Tuy nhiên tàu ngầm này cũng chỉ chế tạo đến chiếc thứ 3 là ngừng vì quân đội Mỹ phát hiện ra rằng việc những tàu này có thể lặn rất sâu cũng không có mấy tác dụng. Chỉ để đạt được tác dụng này mà chi phí đóng một tàu ngầm như vậy đã lên tới 3 tỷ USD. Sự đắt đỏ của nó khiến cho ngay cả quân đội nhà giàu như Mỹ cũng xót.

Sau đó, Nga lại chế tạo không ít tàu ngầm nhưng chỉ có 2 chiếc là có thể lặn xuống độ sâu gần 600m, còn các tàu ngầm hạt nhân tấn công chiến lược lớp Borey cũng chỉ lặn sâu khoảng 450m. Còn tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược lớp Ohio của Mỹ cũng chỉ lặn sâu khoảng 240m. Từ đó có thể thấy các nước đã không còn cố tìm cách cho tàu ngầm của mình lặn sâu hơn.

Trong cùng điều kiện, việc lặn sâu hơn tất nhiên có những tác dụng nhất định nhưng cũng không nên đơn thuần cường điệu công nghệ lặn sâu. Bởi vì mức độ lặn càng sâu thì chi phí càng cao, mà chi phí tăng cao nhưng hiệu quả lại mang đến lại không rõ ràng.

Trên thực tế, công nghệ về độ yên tĩnh đã đủ để giúp ẩn nấp hữu hiệu. Mặt khác hiện nay tàu ngầm hạt nhân đều cần phải phóng tên lửa, nếu lặn quá sâu thì không có lợi cho việc phóng cho nên yếu tố lặn sâu đã không còn quá quan trọng.

Tại sao tàu ngầm có thể di chuyển dưới mặt nước nhanh hơn trên mặt nước?

Thiết kế "giọt nước" của boong tàu cho phép tàu ngầm có thể "lướt" qua đại dương một cách nhanh chóng khi chìm hoàn toàn trong nước. Khi tàu ngầm nổi lên mặt nước, có rất nhiều năng lượng bị mất vào các cung sóng do tàu tạo ra trên bề mặt. Năng lượng bị hao phí này khiến động cơ bị giảm công suất.

1001 thắc mắc: Tàu ngầm chứa vũ khí khủng thế nào, sao lặn không sâu như trước? ảnh 1

Thủy thủ đoàn lấy nước uống từ đâu?

Tàu ngầm có một hệ thống chưng cất, ban đầu thu thập một khối lượng nhất định nước biển và làm nóng cho đến khi trở thành hơi nước. Quy trình này sẽ khử muối khỏi nước biển. Sau đó, hơi nước được làm mát và ngưng tụ thành nước ngọt. Nước ngọt sẽ có đủ cho các nhu cầu uống, vệ sinh cá nhân và nấu ăn của thủy thủ đoàn. 

Còn lấy oxy thì sao?

Oxy trên tàu ngầm được lấy từ bể nén, máy tạo oxy, hoặc dưới dạng 'hộp oxy' hoạt động bằng điện phân. Oxy hoặc định kỳ được phân phát trong suốt cả ngày vào các khoảng thời gian cụ thể hoặc bất cứ khi nào hệ thống máy tính phát hiện hiện tượng giảm nồng độ oxy.

Trong một khối kim loại kín dưới nước, khí cacbonic thở ra có thể trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự sống còn nếu không được loại bỏ định kỳ. Điều này được thực hiện với sự giúp đỡ của vôi tôi xút trong các thiết bị gọi là ‘máy lọc'. Vôi tôi xút là hỗn hợp hai chất bazơ gồm natri hidroxit và canxi hidroxit được sử dụng để loại bỏ cacbonic từ không khí để ngăn ngừa ngộ độc. 

1001 thắc mắc: Tàu ngầm chứa vũ khí khủng thế nào, sao lặn không sâu như trước? ảnh 2  

Độ ẩm dư thừa rất có hại cho bên trong tàu ngầm, vì có thể ngưng tụ trên các bức tường và thiết bị. Để giải quyết điều này, tàu ngầm sẽ có máy hút ẩm ngăn chặn sự tích tụ độ ẩm – là kết quả của hơi thở và mồ hôi.

Vì sao tàu ngầm luôn được sơn màu đen

Tàu ngầm luôn được sơn màu đen để ẩn náu một cách hiệu quả. Tránh bị phát hiện là mục tiêu tối quan trọng đối với tàu ngầm trong khi thực thi nhiệm vụ. Màu đen đã được xác định là màu sắc giúp tàu ngầm ẩn náu tốt nhất.

Tàu ngầm có thể đi nhanh tới mức nào?

Các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có thể di chuyển với tốc độ tối đa 46km/h khi ở dưới nước. Năng lượng hạt nhân cho phép tàu ngầm có thể di chuyển ở tốc độ tối đa trong khoảng thời gian yêu cầu, cho phép tàu ngầm Mỹ có thể phản ứng với các sự kiện ở bất cứ đâu trên toàn cầu một cách dễ dàng.

 10 tàu ngầm khủng nhất thế giới. Clip nguồn youtube

Làm thế nào để tàu ngầm không bị đâm vào nhau

Khi tàu ngầm lặn xuống độ sâu đủ để sử dụng kính tiềm vọng, nó sẽ tự xác định vị trí một lần thông qua hệ thống định vị GPS. Khi con tàu chìm hẳn xuống dưới nước, nó sẽ sử dụng hệ thống định vị riêng, sẽ cảm nhận các thay đổi về hành trình, kết hợp với việc đo tốc độ để tính toán vị trí chính xác của tàu.

Cùng lúc đó hoa tiêu sẽ tiến hành tính toán vị trí của tàu dựa trên lộ trình, tốc độ, độ sâu của nước và điều chỉnh theo dòng chảy của nước biển (để tính toán độ trôi). Dữ liệu thu được sau đó sẽ được so sánh với dữ liệu của hệ thống định vị lắp trên tàu, để đảm bảo sự thống nhất. Độ sâu tính từ mặt nước cũng được đo liên tục bằng thiết bị riêng và so sánh với độ sâu báo trên hệ thống, để chắc chắn tàu không bất ngờ di chuyển tới vùng nước nông.

Tàu ngầm còn sử dụng radar âm sonar để định vị. Ngoài ra, radar này còn được dùng để tránh không đâm phải tàu ngầm của ta, phát hiện và săn lùng tàu địch. Khi nói về radar âm, người ta thường nghĩ về radar chủ động - thứ họ vẫn thấy trên phim. Radar chủ động sẽ phát ra một tiếng ping xuống dưới nước và kiểm tra âm thanh phản hồi để biết có gì ở dưới hay không. Tàu ngầm không bao giờ dùng loại radar này.

Thay vì thế nó dùng radar bị động, nghĩa là luôn lắng nghe. Một khi tiếng động được phát hiện trên một dải tần số nhất định, vốn chỉ do hoạt động của tàu ngầm tạo ra, anh sẽ lần theo tín hiệu đó để bám đuổi và diệt mục tiêu. Ở vùng nước nông, chuyện sẽ khó khăn hơn một chút. Khi ấy anh có thể dùng kính tiềm vọng nhìn ngó xung quanh, nhưng khả năng di chuyển linh hoạt sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Nếu có một tàu chống ngầm xuất hiện ở phía trước và không lặn xuống đủ sâu, đủ nhanh, anh sẽ gặp rắc rối to. Anh phải nhìn thấy sự xuất hiện của con tàu này từ rất sớm.

Hoạt động ở vùng nước nông cũng có nghĩa dễ bị đối phương phát hiện hơn. Việc thò kính tiềm vọng lên khỏi mặt nước giống như đang tạo điều kiện giúp kẻ thù nhận ra mình.

 5 tàu ngầm hạt nhân có sức hủy diệt khủng khiếp. Clip nguồn youtube.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.