1001 thắc mắc: Sẽ ra sao nếu rơi xuống ‘giếng sâu địa ngục’ hơn 12.000 mét?

1001 thắc mắc: Sẽ ra sao nếu rơi xuống ‘giếng sâu địa ngục’ hơn 12.000 mét?
TPO - Giới khoa học đã từng thực hiện một dự án ‘điên rồ’ khoan sâu 12,2 km để khám phá lòng đất. Câu hỏi đặt ra, chẳng may nếu bạn rơi xuống ‘giếng sâu địa ngục’, bạn sẽ ra sao?

Cuộc đua của các cường quốc

Năm 1962, chính phủ Liên Xô thành một Hội đồng khoa học liên ngành để triển khai một dự án “điên rồ” mà chưa có quốc gia nào trên thế giới dám thực hiện với tên gọi: “Siêu hố sâu Kola” (Kola Superdeep Borehole). Dự án này nhằm khoan sâu xuống Vùng gián đoạn Mohorovičić. 

Vùng gián đoạn Mohorovičić (gọi tắt là Moho) được lấy theo tên nhà địa chất học người Croatia Andrija Mohorovičić (1857 – 1936), người có công tìm ra nó vào năm 1909. Đây là vùng ranh giới giữa lớp vỏ và lớp phủ của Trái Đất, nằm dưới bề mặt khoảng 60 km.

Năm 1965, họ chọn một khu đất ở huyện Pechengsky, thuộc bán đảo Kola (Nga) và cho xây dựng một tòa tháp cao 196m để cố định thiết bị khoan. Tọa độ khoan mà các nhà khoa học Liên Xô lựa chọn là 69° Bắc và 30° Đông.

Ngày 24/5/1970, việc khoan sâu vào lòng đất chính thức bắt đầu.

Trong bốn năm đầu tiên, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, với mũi khoan đạt độ sâu 7 km. Sau đó, một máy khoan bổ sung được lắp đặt với thiết bị khoan cuối cùng nặng 200 tấn.

Từ lỗ khoan ban đầu, có thêm nhiều lỗ khoan khác được khoan tách ra và các đường khoan bắt đầu cong hơn, bởi mũi khoan phải đi vòng quanh các lớp đá nền cứng.

Đến năm 1983, độ sâu đã vượt quá 12 km, nhưng vào năm 1984, một sự cố đã xảy ra - trục khoan chính bị hỏng và quá trình khoan phải được khởi động lại từ độ sâu 7.000m một lần nữa.
Đến năm 1990, độ sâu đã đạt tới 12.262m, nhưng mũi khoan một lần nữa lại vỡ - và đây cũng là lần cuối cùng. Sau đó, công cuộc khoan sâu vào tâm Trái đất dừng lại. Kể từ đó đến nay, lỗ khoan Kola vẫn là lỗ sâu nhất trên thế giới.

Hiện tại, cơ sở nơi đặt lỗ khoan Kola bị bỏ hoang và bị người dân địa phương tháo dỡ. Lỗ khoan rộng 23 cm hiện được niêm phong bằng nắp kim loại, trong khi cơ sở khoa học nghiên cứu lỗ khoan Kola cũng giải thể năm 2008.

Không ít người đặt câu hỏi, nếu chẳng may rơi xuống hố khoan này thì sao? Để trả lời những câu hỏi trên, kênh Youtube về khoa học nổi tiếng WHAT IF thực hiện một video liệt kê những hiện tượng đáng sợ sẽ xảy đến trên quãng đường rơi xuống hố khoan sâu 12km.

 Mô phỏng khi con người rơi xuống hố sâu 12km. Clip nguồn genk.vn

Những lỗ khoan, hố đào 'khủng' trên thế giới

Năm 1970, Liên Xô cũng bắt tay vào cuộc đua tiến vào lòng đất, và đến tận bây giờ họ vẫn là những kẻ dẫn đầu - khi đã đào sâu tới hơn 12km. Hố khoan này được gọi là siêu hố sâu Kola, với đường kính chỉ vỏn vẹn gần 23cm.

Năm 1990, tới lượt Đức cũng tham gia vào cuộc đua này. Địa điểm được lựa chọn là Bavaria, và các nhà địa chất của quốc gia này đã đào tới mốc 9,1km, trước khi mũi khoan của họ không chịu nổi nhiệt độ lên tới 265 độ C.

Năm 2002, Nhật Bản là quốc gia tiếp theo tham gia hành trình vào lòng đất với dự án Chikyu Hakken (Thám hiểm Địa cầu). Dự án này được thực hiện bởi con thuyền Chikyu (Địa cầu), với sự đồng tài trợ của châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, và New Zealand. Một trong những mục tiêu trọng điểm của dự án này là tìm hiểu nguyên nhân xảy ra động đất.

Thế nhưng, Nhật Bản cũng đã "dừng cuộc chơi" sau khi đào tới độ sâu 3,2km, sau hơn 6 tháng không tiến sâu thêm được chút nào. Một thành viên của dự án này cho biết, quãng thời gian này giống như một cơn ác mộng kéo dài liên tục hơn 6 tháng trời…

Bên cạnh phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, nhiều chiếc hố sâu khác trên khắp thế giới được đào với mục đích khai thác dầu mỏ cũng như khoáng sản. Dàn khoan dầu Deepwater Horizon đã từng là dàn khoan dầu sâu nhất thế giới, cho đến khi thảm họa dầu khi kinh hoàng nhất lịch sử loài người xảy ra vào năm 2010.

Còn kỷ lục về hố đào lớn nhất thế giới lại thuộc về mỏ kim cương Kimberley, với chu vi khoảng 1,2km.Mỏ kim cương này ngừng hoạt động vào năm 1914, sau hơn 100 năm khai thác.

Đứng thứ nhì về diện tích là mỏ kim cương Mirny tại phía Đông Siberia, sâu hơn 500 mét và có đường kính khoảng 1,24 km. Đây cũng là nơi cung cấp một lượng lớn kim cương cho Liên Xô cũ.
Trong khi đó, mỏ Chuquicamata tại Chile lại nắm kỷ lục về hố sâu mà con người đào nhiều đất ra khỏi đó nhất - với thể tích đất được đào đi là gần 8,5 km khối.

Còn danh hiệu khu khai thác lớn nhất thế giới thuộc về khu mỏ ở hẻm núi Bingham, tại Utah. Nơi đây có diện tích trải dài gần 5km và độ sâu khoảng 1,2km.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.