1001 thắc mắc: NASA tuyển chọn phi hành gia như thế nào?

Các phi hành gia bị nhồi nhét trong không gian chật hẹp trên tàu Soyuz. Ảnh: NASA.
Các phi hành gia bị nhồi nhét trong không gian chật hẹp trên tàu Soyuz. Ảnh: NASA.
TPO - Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là nơi có quy trình tuyển chọn và huấn luyện các nhà du hành vũ trụ gắt gao nhất. Hiện NASA có một đội ngũ ưu tú gồm 135 thành viên, đa số là nam giới. Liệu bạn có đủ điều kiện để trở thành phi hành gia?

Điều kiện tiên quyết mà NASA vẫn yêu cầu là thí sinh phải là phi công lái máy bay cho Không lực Mỹ hay ngành hàng không, hàng hải, hoặc kỹ sư khoa hàng không. Tuy nhiên các nhà khoa học cao cấp thuộc các lĩnh vực khác cũng có cơ hội được đào tạo thành những chuyên gia sứ mệnh.

Để được tuyển chọn, một nhà du hành phi công phải hội đủ một số điều kiện như có ít nhất bằng kỹ sư hàng không hàng hải, sinh học, khoa vật lý hay toán học. Thí sinh phải có ít nhất 1.000 giờ bay và nhất là có kinh nghiệm về lái máy bay thử nghiệm.

Tất cả mọi thí sinh phải trải qua một đợt kiểm tra sức khỏe gắt gao, đặc biệt phải có thị lực 20/20, huyết áp tối đa là 14/9, chiều cao tối thiểu là 1,6 m và tối đa là 1,9 m.

Các chuyên gia sứ mệnh không cần có kinh nghiệm lái máy bay. Khi đã được chọn, các thí sinh phải trải qua một khóa đào tạo về lý thuyết và tập luyện cường độ cao trong một thời gian từ 18 tháng đến 2 năm. Việc tập luyện này chủ yếu chuẩn bị cho các sứ mệnh tàu con thoi phức tạp, nhất là việc xây dựng Trạm Không gian quốc tế (ISS).

Những chuyến bay trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS kéo dài trung bình 6 tháng. Một số khác kéo dài đến 1 năm. Phần lớn thời gian các phi hành gia tiêu tốn cho nhiệm vụ khoa học. Vì vậy, họ cũng cần có một niềm đam mê lớn dành cho khoa học trong môi trường đặc biệt này.

Phi hành gia ‘thảm’ nhất trong lịch sử: Bị bỏ quên trên vũ trụ gần 1 năm

Phi hành gia Sergei Krikalev sinh năm 1958 tại Liên Xô, từ nhỏ ông đã có hứng thú đặc biệt với máy móc do chịu sự ảnh hưởng từ bố mẹ là những người học về khoa học kỹ thuật.

Năm 1985, Sergei được tuyển chọn để trở thành phi hành gia của Liên Xô và bắt đầu các khóa huấn luyện. Ngày 26/11/1988, ông đã cùng một phi hành gia người Xô Viết khác là Volkov từ Baikonur bay đến Trạm không gian Mir bằng tàu vũ trụ Liên Hiệp TM-7, nhiệm vụ của ông là lắp đặt modun mới cho trạm Mir và thực hiện một số thí nghiệm. Sau 115 ngày ở trong không gian, vào ngày 27/4/1989, Sergei Krikalev đã lên tàu TM-7 bay về Trái Đất, hoàn thành chuyến du hành vũ trụ đầu tiên của mình.

1001 thắc mắc: NASA tuyển chọn phi hành gia như thế nào? ảnh 1 Phi hành gia Sergei Krikalev .

Ngày 18/5/1991, Sergei Krikalev bắt đầu chuyến bay vào không gian lần thứ hai khi một lần nữa bay đến Trạm không gian Mir bằng tàu TM-12. Thế nhưng vào ngày 26/12/1991, Liên Xô bất ngờ bị tan rã. Trong lúc hỗn loạn, dường như mọi người đã quên mất vẫn còn hai phi hành gia nước mình đang trôi dạt bên ngoài không gian.

Phi hành gia Sergei Krikalev cùng đồng đội của mình đã phải ở lại trong vũ trụ như thế, may mắn là họ có đủ thực phẩm để sống qua ngày. Hai người đành lựa chọn chờ đợi những người ở dưới Trái Đất sắp xếp ổn thỏa rồi mới có thể quay về.

Cuối cùng, sau 311 ngày ở trên không gian, ông Sergei Krikalev đã được các phi hành gia của Nga đón về Trái Đất.

Khi bay lên không gian, ông Sergei vẫn còn là người Liên Xô, đến khi quay trở lại Trái Đất thì ông phát hiện ra quốc gia của mình đã không còn nữa rồi, thành phố nơi ông hạ cánh thay vào đó trở thành một phần của nước Cộng hòa Kazakhstan. Vì thế mà ông Sergei Krikalev được gọi là “công dân Liên Xô cuối cùng”.

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ và Nga triển khai hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ. Tháng 10/1992, ông Sergei Krikalev được tuyển chọn trở thành thành viên của phi hành đoàn đi trên tàu con thoi Discovery, chuẩn bị đến Trạm không gian Mir để thực hiện các nhiệm vụ. Ông Sergei sau đó đã lập tức đến Mỹ để tham gia vào các khóa đào tạo. Ngày 3/2/1994, ông đã bay vào vũ trụ trên tàu con thoi Discovery cùng 5 phi hành gia người Mỹ khác, đây là lần hợp tác vũ trụ đầu tiên giữa Mỹ và Nga, ông cũng trở thành phi hành gia người Nga đầu tiên đi trên tàu con thoi của Mỹ.

Những phi hành gia Mỹ-Nga đã hoàn thành các nhiệm vụ quan sát Trái đất, thử nghiệm vật liệu, thử nghiệm khoa học sự sống và thiết bị trong vòng 8 ngày sau đó rồi trở về Trái Đất vào ngày 11/2. Trong những năm tiếp theo, Sergei Krikalev với tư cách là đại diện của Nga, đã ở lại Trung tâm vũ trụ Johnson tại Houston để tham gia vào công việc kiểm soát mặt đất.

Thời gian ở ngoài không gian của ông tổng cộng là 803 ngày 9 giờ 39 phút, ông là phi hành gia có thời gian ở bên ngoài không gian dài nhất thế giới, đến nay vẫn chưa có ai phá được kỷ lục này.

Phi hành gia Sergei Krikalev đã chính thức nghỉ hưu sau khi hoàn thành lần bay thứ 6 của mình, nhưng ông không từ bỏ sự nghiệp vũ trụ, mà tiếp tục tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực này.

Tháng 2/2007, Sergei Krikalev được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch của Tập đoàn vũ trụ tên lửa năng lượng Korolev và cũng là người đứng đầu Trung tâm đào tạo phi hành gia Gagarin.

 Clip đào tạo phi hành gia vũ trụ. Nguồn Youtube

MỚI - NÓNG