1001 thắc mắc: Loài vật nào có khuôn mặt biểu cảm nhất hành tinh?

0:00 / 0:00
0:00
1001 thắc mắc: Loài vật nào có khuôn mặt biểu cảm nhất hành tinh?
Ngựa có thể phân biệt khuôn mặt tức giận hoặc vui vẻ, thậm chí nghiêng mặt để nhìn bức ảnh thể hiện cảm xúc tiêu cực.

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Biology Letters, 28 con ngựa được cho xem những bức ảnh màu với biểu cảm khuôn mặt khác nhau trong vòng 30 giây. Một nhóm các nhà tâm lý tại đại học Sussex, Anh, theo dõi phản ứng của chúng.

Khi xem bức ảnh với gương mặt người đàn ông tức giận và cau có, nhịp tim của những con ngựa tăng lên đáng kể. Quan trọng hơn, chúng còn nghiêng mặt để nhìn bức ảnh bằng mắt trái, một biểu hiện liên quan tới các kích thích tiêu cực. Thông tin từ mắt trái của ngựa được chuyển tới bán cầu não phải, khu vực chuyên nhận biết những nguy hiểm từ môi trường, các nhà nghiên cứu cho biết.

"Nghiên cứu này rất thú vị vì nó cho thấy ngựa có khả năng đọc cảm xúc của loài khác", nghiên cứu sinh Amy Smith, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ. "Chúng ta biết từ lâu rằng ngựa là một loài có khả năng giao tiếp xã hội phức tạp, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta thấy chúng có thể phân biệt biểu hiện tích cực và tiêu cực trên gương mặt người".

Những con ngựa từ đàn ngựa ở Sussex và Surrey phía nam nước Anh cũng có phản ứng mạnh với gương mặt giận dữ hơn là gương mặt hạnh phúc.

Không tính loài người, ngựa là loài vật có khuôn mặt giàu biểu cảm nhất hành tinh này. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One, ngựa có tới 17 biểu cảm trên khuôn mặt, nhiều hơn những loài được cho là gần gũi nhất với con người như tinh tinh, đười ươi, khỉ đuôi vàng và cả chó nữa.

Ngoài ra, hiểu được tiếng người, nhận ra người và nhớ lệnh trong 10 năm xa nhau, ngủ trong tư thế đứng ba chân, mắt có thể nhìn được cả ngày lẫn đêm, không nhai lại... là những sự thật thú vị về loài ngựa.

Ngựa có thể phân biệt khuôn mặt tức giận hoặc vui vẻ, thậm chí nghiêng mặt để nhìn bức ảnh thể hiện cảm xúc tiêu cực.

Những điều thú vị về loài ngựa

Ngủ trong tư thế đứng ba chân

Thói quen ngủ của ngựa khác xa so với động vật khác, kể cả con người. Loài ngựa thường nghỉ ngơi ở tư thế đứng, trọng lượng dồn lên hai chân trước và một chân sau, chân còn lại sẽ thư giãn. Theo Tiến sĩ Joe Bertone - Giáo sư y khoa ngựa tại Đại học Thú y Western (Mỹ) - những con ngựa sẽ chỉ nằm xuống khi chúng cảm thấy an toàn. Tuy nhiên, thời gian này rất ngắn bởi trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ gây áp lực lên cơ quan nội tạng của ngựa khi nằm.

Đoán tuổi qua răng

Các nhà khoa học tại Đại học Arkansas (Mỹ) cho biết mặc dù không chính xác 100% nhưng bằng cách kiểm tra răng, ta có thể dự đoán được gần đúng độ tuổi của một con ngựa nếu không biết ngày sinh.

Ngựa con khi sinh ra thường có 4 răng cửa (2 cái hàm trên, 2 cái hàm dưới). Nếu không, sau 8 ngày chúng sẽ mọc ra. 8 tuần sau, ngựa bắt đầu mọc răng hàm và khoảng 8 tháng tuổi, chúng mọc đủ răng sữa. Sau đó, răng sữa rụng dần và đến khoảng 2,5 tuổi, chúng sẽ mọc răng cửa vĩnh viễn. 5 tuổi, ngựa sẽ có đủ răng vĩnh viễn.

Răng sữa thường có màu nhạt, ngắn hơn răng vĩnh viễn. Ở những con ngựa 6 tuổi, răng cửa chúng cũng thường lõm xuống trông như một chén nhỏ và chúng đầy dần theo thời gian.

Đến khoảng 10 tuổi, phần nướu cạnh răng hàm sẽ mọc ra một bộ phận gọi là rãnh Galvayne. Rãnh này đạt một nửa chiều dài của răng khi ngựa đến 15 tuổi. Ngựa đực thường có 40 răng, trong khi đó ngựa cái chỉ có 36 răng.

Ngựa biết cười?

Khi cuộn môi trên và nhe răng, một con ngựa trông như đang cười. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động này lại là một kỹ thuật đặc biệt khi ngựa thể hiện một phản ứng gọi là flehmen nếu sẵn sàng giao phối. Hành động này giúp chúng phát tán mùi hương trong không khí và xác định mùi. Phản ứng này phổ biến ở ngựa đực hơn so với ngựa cái. Tương tự như hươu cao cổ, ngựa giống thường xác định mùi vị nước tiểu trước khi giao phối.

Trí nhớ của ngựa

Một nghiên cứu năm 2010 tiết lộ kết quả đáng ngạc nhiên về trí thông minh của ngựa, đặc biệt là khả năng ghi nhớ. Không chỉ hiểu được lời nói, ngựa còn có khả năng nhớ rất lâu. Nếu một con ngựa được chăm sóc và đối xử tốt, nó sẽ nhớ người chăm sóc cho đến lúc chết. Đặc biệt, con ngựa sẽ ngay lập tức nhớ ra người đã chăm sóc nếu nhìn thấy họ, dù không được gặp trong thời gian dài. Chúng cũng có thể nhớ được các địa điểm khá tốt.

Ngựa cảnh sát

Ngựa cảnh sát được sử dụng từ thế kỷ 17 và đội cảnh sát ngồi trên ngựa đầu tiên được thành lập vào năm 1805 ở London, Anh. Trong nhiều năm, đội này đã được chứng minh là hoạt động có hiệu quả. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu về trí thông minh và trí nhớ của loài ngựa. Hiện nay, số lượng ngựa cảnh sát ngày càng ít dần do sự phát triển lấn át của hoạt động tuần tra bằng xe máy cảnh sát và các phương tiện hiện đại khác. Ở nhiều quốc gia, các đội cảnh sát này vẫn hoạt động với mục đích kiểm soát các đám đông.

Thị lực tốt

Ngựa có thị lực khá tốt nhờ vào đôi mắt có cấu tạo đặc biệt. Đôi mắt ngựa có đường kính khoảng 5 cm, lớn nhất trong các loài động vật có vú sống trên cạn. Mắt chúng cũng nặng hơn gấp 9 lần so với mắt người. Mắt ngựa có 3 mí, hai mí bình thường và một mí thứ ba là một màng chớp nằm ở góc bên trong của mắt. Ngựa không thể tập trung mắt nhìn như người. Thay vào đó, phần dưới của võng mạc sẽ quan sát vật thể ở xa, phần trên võng mạc sẽ dùng để quan sát ở cự ly gần.

MỚI - NÓNG