Vàng trong sách Kỳ cuối:

100 triệu được một ba lô sách của Nguyễn Văn Vĩnh

Nhà sưu tập Trịnh Hùng Cường nói, sách của nhiều người nổi tiếng đã không hề được con cháu giữ gìn
Nhà sưu tập Trịnh Hùng Cường nói, sách của nhiều người nổi tiếng đã không hề được con cháu giữ gìn
TP - Đó là kết quả một chuyến vào Nam của Trịnh Hùng Cường - nhà sưu tập trẻ ở Bắc Ninh mà tiếng tăm lừng lẫy trong giới sưu tập miền Bắc. 

Anh cũng là người chăm chỉ săn sách cổ Việt đã thất thoát ra nước ngoài, với chi phí rất cao, đi ngược lại nạn chảy máu sách cổ đang thành xu hướng khó cưỡng.

Thủ bút ở bếp, sách ở cầu thang, từ điển ở phòng ngủ

Ngôi nhà Trịnh Hùng Cường ở đường Ngô Gia Tự - TP Bắc Ninh. Anh là con trai một, ở cùng bố mẹ. Gia đình anh mở cửa hàng bán thiết bị điện nước. Thấy khách vào hỏi gặp Cường, mẹ anh chép miệng nói với hàng xóm: Lại khách xem sách, không phải khách mua hàng ông ạ.

Lâu nay, nhà sưu tập trẻ phải tiếp rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và bạn đọc đến tra cứu. Có lẽ vì thế, anh nhiệt tình một cách kiệm lời.

100 triệu được một ba lô sách của Nguyễn Văn Vĩnh ảnh 1

Thủ bút của thi sĩ Vũ Hoàng Chương

Ống nước, van nước, dây điện và các phụ tùng thiết bị ngành nước bày choán hết nửa tầng một, còn phía trong là bếp và phòng ăn, trong đó sách đã choán mất một phần. Đập ngay vào mắt là thủ bút bài thơ không đề tên của thi sĩ Vũ Hoàng Chương tặng Hoàng Hương Trang ngày 6 Tết Quý Sửu (1973), bằng lối viết thư pháp bay bướm, dưới bài ký tên Vũ Hoàng Chương cũng rất bay bướm: 

Bài ca tận túy đi hoang/ Biết đâu Hoàng chẳng gặp Hoàng chiều nay/ Vẽ nên độc dược mà say/ Hóa công chưa dễ khéo bày đặt hơn/ Gió trăm cơn bụi ngàn cơn/ Một cơn say phải sạch hơn thế tình/ Nguyện tường túy bất nguyện tinh/ Còn say dầu mất chính mình cũng thôi/ Túy hương vẫn mở trong đời/ Thiều quang sao vắng bóng người túy ca.
100 triệu được một ba lô sách của Nguyễn Văn Vĩnh ảnh 2 Bộ tạp chí Nam Phong được lưu giữ cẩn thận
Hỏi sao thủ bút quý thế này mà bày tơ hơ ngay tại chỗ bếp núc? Cường cười: “Không còn chỗ anh ạ”. Ngoài Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Cường còn có thủ bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Vĩnh (chủ yếu trên tờ báo L’An Nam Nouveau- An Nam mới)…

Tầng 2, trong phòng ngủ dành kê chiếc tủ từ điển. Tầng 3, cầu thang lên tầng 4 và cả tầng thượng cũng hoàn toàn dành cho sách. Trời nồm ẩm, chiếc máy sấy quần áo của vợ được Cường huy động đặt giữa phòng sưởi ấm sách. Bảo quản là khâu mệt mỏi của thú chơi này. Đã dùng cả hạt tiêu, cà phê, đóng gáy bìa, bật máy sưởi, thậm chí bọc ni lông, nhưng mỗi lần dọn dẹp lại một lần xót xa.

Cường sinh năm 1981, hiện là nhân viên Cty môi trường đô thị Bắc Ninh. Anh còn làm thêm cả dịch vụ kỹ thuật chiếu sáng - ngành mà anh đã tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhiều nghề khiến anh đủ tiền nuôi sách. Nhiều sách quá, anh phải để bớt ở cơ quan. Từ sở thích sách vật lý những năm học phổ thông, anh đã mở rộng đam mê sang các loại sách khác. 

Tuy nhiên, nhờ biết cân bằng, nên Cường không bị sách làm cho mê sảng nghiện ngập, không bị vợ con cằn nhằn. “Em là người chơi sách một cách tỉnh táo” - Cường nói, anh đặt quyết tâm nhiều lần học cho được tiếng Pháp, để tìm mua và đọc những cuốn sách cổ quý, nhưng quá nhiều thứ chi phối nên Pháp ngữ vẫn là ước mơ xa xỉ.

Giới sưu tập ở Hà Nội nói gia tài sách của Cường trị giá khoảng hơn 1 tỷ đồng. Cường đóng giá gỗ xịn cho sách quý, giá gỗ tạp dành cho sách bình thường, giá nhôm kính dành cho sách mới in và được tặng. Hóa ra, bộ sưu tập của anh còn khủng hơn lời đồn, dù chủ nhân cười trừ “em cũng chưa bao giờ tính”.

Chuyến đi trăm triệu

Riêng chuyến vào Nam mấy năm trước, anh đã tiêu hết 100 triệu đồng mà chỉ mang về được một ba lô sách, bản thảo, thủ bút của cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Vợ anh tái xám mặt khi chồng tự thú. Nhưng biết đam mê của Cường khó gì ngăn nổi, nên dần dần chị cũng không giật mình trước những cú đầu tư như thế. Mua được sách quý, nhưng Cường buồn buồn: “Hết rồi, gia đình cụ Nguyễn Văn Vĩnh chắc không còn gì của cụ nữa”. 

100 triệu được một ba lô sách của Nguyễn Văn Vĩnh ảnh 3 Cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ”
Rồi cuốn “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ” của Leopold Pallu - một người lính Pháp, xuất bản năm 1861 bằng tiếng Pháp, Cường phải nhờ bạn bè đặt mua qua mạng ebay từ một người Áo. Bìa sách vẫn còn có dấu thư viện ở Paris. Sách mô tả chân thực về miền đất mới mà người Pháp đặt chân tới, những cảm nhận của một người lính kiêm một người khám phá. 

Ba bản đồ được in kèm trong sách, có cả bản đồ lục tỉnh Nam kỳ mà chi tiết không chênh lệch nhiều so với bản đồ bây giờ. Thực dân Pháp nổ phát súng xâm lược đầu tiên tại Đà Nẵng, 3 năm sau cuốn sách này ra đời. Giá trị là ở đó. Mãi một thế kỷ sau, một Việt kiều ở Pháp mới chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam.

Tạp chí Nam Phong được Cường trân trọng bọc bằng vải chống ẩm có hoa văn, xếp ở vị trí trang trọng trong tủ. Cuộc đời của Nam Phong kéo dài 210 số (+ 1 số Tết là 211 số, theo Vương Hồng Sển), thì Cường đã sở hữu 170 số.

Báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn ít hơn, nhưng gặp ở đây tác phẩm của anh em nhà Nguyễn Tường, mà thời gian gần đây mới được số hóa và đăng tải rộng rãi trên mạng.

Cường còn có bộ sưu tập tài liệu về Truyện Kiều, Quốc dân đảng, cải cách ruộng đất, Giai phẩm (đầy đủ bộ Giai phẩm mùa thu và Giai phẩm mùa đông), báo Nhân Văn và tài liệu xung quanh phong trào này...

Đưa sách cổ về lại Việt Nam

Ở làng Đống Cao – TP Bắc Ninh sát nhà máy giấy, nhiều sách cũ được chuyển về để nghiền. Một số gia đình đã mở hiệu sách cũ. Họ chọn mua từ những bao tải sách cũ đổ đống. Nhưng trong số sách này không mấy cuốn có giá trị. Phần lớn sách xưa Cường phải mua tại TPHCM.

Mỗi năm, anh vào Nam một hai lần. Tất nhiên, đầu mối thân cận đã “chỉ điểm” hoặc ngã giá, nhưng cũng phải có duyên mới mua được những cuốn ưng ý. Vì người sưu tập bây giờ rất đông, sẵn tiền, giá sách bị đẩy lên cao, và khi nhà sưu tập trả giá không tới, sách ầm ầm chảy ra nước ngoài. 

“Em gần như chỉ mua vào, không bán ra. Hai đứa con trai còn quá nhỏ nên chưa biết chúng có chịu giữ sách trong tương lai không. Nhưng đời em, em phải giữ”.

Trịnh Hùng Cường

Tại nhiều thư viện lớn và trường đại học lớn của thế giới, đều có những người lùng mua sách cổ của Việt Nam phục vụ việc nghiên cứu, giảng dạy văn hóa phương Đông. “Người ta lưu giữ cũng tốt thôi, thậm chí với điều kiện và kỹ thuật bảo quản hiện đại của họ thì đôi khi đó là may mắn của sách cổ. Nhưng, chúng thuộc về tài sản của quốc gia mình, ra đi từ nước mình. 

Mình không biết và để chúng ra đi là một thiếu hụt, một mất mát khó bù đắp”- Cường nói, anh luôn chú ý các trang mua bán của nước ngoài, “hở” ra cuốn sách Việt nào được rao chào là cố gắng huy động tiền nhờ bạn đặt mua, tóm về ngay. 

 Cuốn từ điển Truyện Kiều in năm 1884 ở Pháp bằng ba thứ tiếng Pháp, Hán và quốc ngữ được Cường mua qua mạng với giá 12 triệu đồng từ một người sở hữu ở Vienna - Áo cách đây 3 năm. Sau đó, tại VN bỗng xuất hiện thêm một cuốn Truyện Kiều này, xấu hơn cuốn ở Áo, nhưng có giá 20 triệu đồng, Cường cũng mua ngay. Đây được coi là hai cuốn đắt nhất trong tủ sách của Cường.

Nếu chỉ có một cuốn, Cường không bao giờ bán. Nhưng đã có cuốn thứ hai, anh sẵn sàng đổi cho nhà sưu tập khác để lấy một hoặc nhiều cuốn sách mà mình muốn. Như vậy, vừa tạo được độ độc, hiếm cho cuốn sách của anh, nâng giá trị nó lên, vừa có thêm các giao dịch mới.

Cường đã mua được 5 cuốn từ nước ngoài, toàn ở mức giá cao chót vót.

Hỏi anh ví dụ sau này có ai đó trả giá cao ngất ngưởng, hoặc gia đình hậu duệ của các bậc danh nhân muốn mua lại sách của cha ông họ, anh có đồng ý nhượng không?, Cường lắc đầu: “Cái đó khó”. Và anh nói thêm: “Em gần như chỉ mua vào, không bán ra. Món này không phải để kinh doanh. Vợ chồng em có 2 con trai, còn quá nhỏ nên chưa biết chúng có chịu giữ sách cho mình trong tương lai không. Nhưng đời em, em phải giữ”.

MỚI - NÓNG